1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ký túc xá hơn 35 tỷ đồng chỉ có... 5 sinh viên đến ở

Thúy Diễm

(Dân trí) - Được đầu tư trên 35 tỷ đồng để xây dựng ký túc xá 120 phòng phục vụ nhu cầu cho gần 1.000 sinh viên y khoa trường Đại học Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến nay ký túc xá chỉ vỏn vẹn 5 sinh viên đến ở.

Năm 2013, ký túc xá khoa Y trường Đại học Tây Nguyên tọa lạc tại phường Tân Thành (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chính thức được đưa vào hoạt động sau khoảng 3 năm xây dựng.

Ký túc xá với tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do trường Đại học Tây Nguyên làm chủ đầu tư. Toàn bộ khu ký túc xá có 2 dãy (mỗi dãy cao 5 tầng), 120 phòng với diện tích sử dụng trên 2.900m2.

Ký túc xá hơn 35 tỷ đồng chỉ có... 5 sinh viên đến ở - 1

Ký túc xá khoa Y Trường Đại học Tây Nguyên được đầu tư xây dựng trên 35 tỷ đồng nhưng sinh viên không ở gây lãng phí (Ảnh: Uy Nguyễn).

Mục tiêu ký túc xá xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, lưu trú, học tập cho gần 1.000 sinh viên khoa Y của trường. Khu ký túc xá nằm gần với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (nay đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) sẽ tiện lợi cho việc thực tập của sinh viên tại bệnh viện này.

Tuy nhiên, đầu năm 2019, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được di dời đến trụ sở mới, cách khu ký túc xá khoảng 5km và đường di chuyển đến bệnh viện không được thuận lợi, do đường sá thời điểm này chưa được đầu tư. Do đó, sinh viên bắt đầu rời khu ký túc để ra ngoài thuê trọ gần với bệnh viện mới.

Ký túc xá hơn 35 tỷ đồng chỉ có... 5 sinh viên đến ở - 2

Nhà trường đã cho người lao động thuê ở (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo ghi nhận của phóng viên, các phòng khu ký túc xá sinh viên không mặn mà ở, thay vào đó có rất nhiều lao động bên ngoài xin vào ở để tiện cho việc đi làm.

Một bảo vệ khu ký túc xá cho biết, hiện tại toàn bộ khu ký túc xá chỉ có 2 phòng còn sinh viên ở với khoảng 5 em, còn lại đa phần là người lao động thuộc nhiều ngành nghề xin ở.

Cũng theo bảo vệ, khu ký túc xá nằm tại vị trí gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột nên rất thuận lợi cho việc lưu trú của người lao động nhưng lại không phù hợp với sinh viên do bệnh viện dời ra khu vực ngoài trung tâm của thành phố.

Ký túc xá hơn 35 tỷ đồng chỉ có... 5 sinh viên đến ở - 3

Trường Đại học Tây Nguyên đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép mở rộng đối tượng người ở ký túc xá để tránh lãng phí (Ảnh: Uy Nguyễn).

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên, xác nhận, sinh viên khoa Y của trường đã bỏ ký túc xá để ra bên ngoài thuê trọ cho tiện việc đi lại, để tránh các phòng lâu không có người ở, nhà trường linh động cho viên chức, cán bộ, người lao động thuê để tránh lãng phí.

Cũng theo ông Trúc, tiền thuê phòng từ ký túc xá nhà trường trang trải cho nhân viên bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng các hạng mục nếu có tình trạng xuống cấp hư hỏng.

"Nhà trường đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép mở rộng đối tượng người ở khu ký túc xá khoa Y của nhà trường để công trình không lãng phí, xuống cấp", Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên thông tin.

Trước đó, tháng 11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, Quốc hội xác định cả nước có 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.

Tại Đắk Lắk có hai dự án là Hồ chứa nước Krông Pách Thượng và khu Ký túc xá khoa Y trường Đại học Tây Nguyên được xác định lãng phí.

Nghị quyết Quốc hội yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.