1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ký sự đường 7: Những đứa con lạc gia đình trên đường chạy loạn

(Dân trí) - Trên con đường 7, dòng người “chạy loạn” năm xưa đã khiến không ít những đứa trẻ lạc gia đình. 45 năm nay, họ không ngừng tìm kiếm cha mẹ, anh em với mong ước sẽ có ngày đoàn tụ.

Hàng chục năm viết bức thư “Tìm cha mẹ”

Trong những ngày tháng 3/1975, hơn 15 nghìn tàn quân của chế độ Sài Gòn ở Tây Nguyên từ tỉnh Đăk Lăk buộc phải rút xuống đồng bằng qua con đường duy nhất là đường 7 (nay là quốc lộ 25, tỉnh Gia Lai). Trong những ngày chạy loạn ấy, hàng trăm cuộc ly tán diễn ra giữa “mưa bom, bão đạn”. Có những đứa con khóc cạn nước mắt khi bị bỏ lại; có đứa đi lạc giữa loạn lạc: cũng có đứa trẻ khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trên vũng bùn, xung quanh là hoang tàn, đổ nát… Những đứa trẻ khốn khổ ấy đã được người dân địa phương đưa về nuôi dưỡng, yêu thương, trưởng thành ngay trên vùng đất Đông Nam (tỉnh Gia Lai) này.

Những ngày tháng 4, chúng tôi theo con đường 7 năm xưa để tìm gặp những mảnh đời thất lạc năm ấy.

Theo lời hướng dẫn, chúng tôi đến làng Biah (xã Ia Tul, huyện Ia Pa, Gia Lai) gặp anh Rơ Ô Sông, là một trong những đứa trẻ đi lạc trong cuộc di tản trên đường 7 năm 1975.

Ký sự đường 7: Những đứa con lạc gia đình trên đường chạy loạn - 1

Anh Rơ Ô Sông, một trong những đứa trẻ đi lạc trong cuộc di tản trên đường 7 vào năm 1975. 

Anh Rơ Ô Sông có một vẻ mặt khắc khổ, ánh mắt u buồn, chất chứa những nỗi tâm tư giấu kín. Sau cốc trà chào khách, anh Rơ Ô Sông giãi bày: Tháng 3/1975, trong đoàn người di tản về Phú Yên, anh mới chỉ là cậu bé 5 tuổi cùng bố mẹ chạy loạn. Khi gia đình anh chạy đến chân ngọn núi ở tỉnh Phú Bổn (nay là Ayun Pa) thì anh bị lạc bố mẹ. Trong trí nhớ mập mờ, anh nhớ khi tỉnh lại thấy mình nằm bên một hồ nước, bụng đau thắt vì đói lả.

Cậu bé 5 tuổi nằm yên đến khi tiếng súng tắt. Sau đó một người phụ nữ Jrai ở buôn Bíh tên là Rơ Ô Tốt đi lấy nước, nghe thấy tiếng đứa trẻ khóc, liền chạy đến thì thấy có một đứa trẻ mặt mũi bám đầy đất cát. Người phụ nữ Jarai liền ôm đứa bé về làng và nhận làm con nuôi.

Thời gian cứ thế trôi đi, cậu bé đi lạc ngày nào chẳng còn một chút ký ức nào về cha mẹ đẻ. Đến cái tên của mình cậu cũng chẳng nhớ. Mập mờ trong tiềm thức chỉ là hình ảnh chạy loạn, tiếng bom nổ bên tai.

Ngày ngày theo mẹ lên nương làm rẫy, lấy nước uống ở sông Ba, nhưng Rơ Ô Sông lớn lên không giống với những người con trai Jrai khác bởi anh có nước da trắng hơn. Hồi nhỏ anh từng nhiều lần bị trêu ghẹo: “Mày là người nhặt được, không phải sinh ra trong làng này đâu. Mày không phải con mẹ Tốt đâu”. 

Sau này lớn lên, anh Rơ Ô Sông bắt đầu hành trình đi tìm cha mẹ ruột. Hàng chục năm trời anh liên tục gửi đi một bức thư chỉ có dòng nội dung vỏn vẹn “Tìm cha mẹ”. Những lá thư ấy được gửi đi khắp nơi nhưng không có hồi âm.

Anh Rơ Ô Sông cũng đã nhiều lần tự tay viết thư gửi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên VTV mong tìm lại được bố mẹ đẻ nhưng cũng không có kết quả.

Anh kể đã có hàng chục người đến tìm anh nhận người thân, nhưng khi thử ADN thì kết quả không khớp. Cũng có một số người vì thương cảm cho số phận của anh nên đã kết nghĩa anh em giúp anh tìm lại gia đình.

Người con gái mang tên “nhặt được”

Gần nhà anh Rơ Ô Sông có chị Rơ Ô H’Tuynh (làng Biah, xã Ia Tul). Chị H’Tuynh có nước da trắng, khuôn mặt tròn trĩnh phúc hậu. Chị H’Tuynh không biết tiếng Kinh nên chúng tôi phải nhờ một cán bộ xã làm người phiên dịch để trò chuyện cùng chị.

Chị H’Tuynh nhớ lại, trước giải phóng, cha chị là lái xe cho các sĩ quan quân đội của ngụy quân Sài Gòn. Đến tháng 3/1975, cha chị bỗng dưng mất tích không liên lạc với gia đình. Mẹ chị gồng gánh 4 đứa con vừa di tản vừa tìm chồng.

Trong trí nhớ của chị, khi đang di chuyển trên đường 7, chiếc xe lam không may tông vào một gốc cây, chị H’Tuynh không may bị rớt xuống xe. Một xe jeep của quân đội đi ngang qua đã bế chị theo. Khi chiếc xe jeep này đến tỉnh Phú Bổn (nay là thị xã Ayun Pa), những người lính trên xe nhận được lệnh quay lại chiến đấu. Vì phải khẩn trương làm nhiệm vụ nên họ đành gửi đứa trẻ là chị cho một người đàn bà Jarai.

Ký sự đường 7: Những đứa con lạc gia đình trên đường chạy loạn - 2

Chị Rơ Ô H’Tuynh với khuôn mặt tròn và nước da trắng.

Lúc đó, gia đình bà Rơ Ô H’Kut vì không có con gái nên đã nhận nuôi đứa bé đi lạc. Bà H’Kut đặt tên đứa trẻ ấy là H’Tuynh - nghĩa là nhặt được. Dù là con nuôi nhưng mẹ H’Kut rất yêu thương H’Tuynh. Nhưng vì nhà nghèo nên H’Tuynh chẳng được đi học nên không được tiếp xúc với người kinh. Bởi vậy, đến nay chị H’Tuynh không hề biết chữ và cũng không hề nói được nửa câu tiếng Kinh. Lớn lên, bà H’Kút cho chị H’Tuynh bắt chồng ở làng bên.

Sau này chị H’Tuynh đem chuyện mình đi lạc kể lại cho những đứa con của chị nghe. Năm 2010, người con út của chị H’Tuynh đã gửi hồ sơ từ những ký ức góp nhặt của mẹ mình đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Đến tháng 3/2016, có 2 người phụ nữ đứng trước nhà chị H’Tuynh. Qua những ký ức, họ đã vỡ òa trong nước mắt khi nhận ra em gái.

Ký sự đường 7: Những đứa con lạc gia đình trên đường chạy loạn - 3

Tìm được gia đình nhưng chị H'Tuynh vẫn muốn gắn bó với bản làng Jrai.

Sau khi xét nghiệm ADN và nhận được người thân, chị H’Tuynh mới biết tên thật mà cha mẹ ruột đặt cho chị là Hồ Thị Nga. Mấy chục năm từ ngày mất con, gia đình chị vẫn không thôi hy vọng tìm lại chị.

Nhận được gia đình, người thân, chị H’Tuynh theo họ về thăm nhà ở huyện Đăk Đoa (Gia Lai). Tuy vậy, chị H’Tuynh hiện vẫn ở lại với mẹ nuôi H’Kút, với gia đình và buôn làng.

Chị H’Tuynh bảo rằng: “Mình sống với người Jrai lâu quá rồi nên quen với phong tục tập quán. Giờ mình sống như người Kinh khó lắm. Mỗi lần về nhà giỗ cha, mình chẳng biết làm gì chỉ đứng nhìn các chị em nấu nướng. Mình cảm thấy lạc lõng lắm, không thoải mái như ở làng mình bây giờ. Vậy nên mình quyết định ở lại với làng. Mình được bà con nuôi lớn nên đây cũng là gia đình của mình”.

Chí Anh