Kỷ nguyên mới và những vấn đề với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự
(Dân trí) - Tọa đàm do Bộ Công an tổ chức đã làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn của kỷ nguyên phát triển mới và những vấn đề đặt ra với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Sáng 16/1, Bộ Công an tổ chức tọa đàm khoa học "Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự".
Tọa đàm được tổ chức nhằm tiếp tục quán triệt, hiểu biết sâu sắc hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trong lực lượng CAND.
Hơn 50 bài tham luận được gửi tới tọa đàm đã làm sáng tỏ, đầy đủ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn của kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Quản trị an ninh phi truyền thống
Tại tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, tham gia tọa đàm với tham luận về nội dung quản trị an ninh phi truyền thống.
"An ninh phi truyền thống là trạng thái an ninh, an toàn, không có hiểm nguy cho cá nhân con người, xã hội, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các nguy cơ đe dọa có nguồn gốc phi quân sự như tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, an ninh y tế và dịch bệnh, an ninh kinh tế...
Các nguy cơ, thách thức và mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng, mang tính khu vực hoặc toàn cầu, do tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, của sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ", ông Yêm viết trong tham luận và cho biết mục tiêu của an ninh phi truyền thống là ổn định và phát triển bền vững xã hội (cộng đồng), doanh nghiệp, con người.
Theo ông Yêm, trong thế giới VUCA - thế giới "đa cực" - bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống.
Những yếu tố được ông Yêm chỉ ra như: Tội phạm xuyên quốc gia; an ninh kinh tế; an ninh mạng, an ninh thông tin và tội phạm sử dụng công nghệ cao; an ninh môi trường...
Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong kỷ nguyên số
"Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao" cũng là chủ đề trong tham luận của Thiếu tướng Trần Thành Hưng, Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân.
Trong tham luận, ông Hưng cho biết "tội phạm sử dụng công nghệ cao" có tính chất nguy hiểm, khi phạm tội thông qua ứng dụng, sử dụng công nghệ cao, phổ biến là công nghệ thông tin, công nghệ số.
"Tốc độ thực hiện hành vi phạm tội diễn ra tương đối nhanh, tội phạm có thể chỉ cần thực hiện hành vi trong nháy mắt, chúng có thể thực hiện hành vi phạm tội chỉ trong vòng một phần nghìn, thậm chí một phần triệu giây bằng các máy tính có tốc độ xử lý siêu tốc hoặc bằng những chiếc USB có chứa siêu mã độc", ông Hưng viết trong tham luận.
Ông Hưng chỉ ra 5 thách thức trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Một trong số đó là việc nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao dễ bị xâm hại bởi sự thiếu hiểu biết.
Trong tham luận, ông Hưng đã đưa ra nhiều giải pháp để phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong kỷ nguyên số, như: Hoàn thiện các quy định của pháp luật; quan tâm đầu tư về con người và hạ tầng công nghệ; chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền...
Phương châm "an ninh chủ động"
Tại tọa đàm, Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, tham luận với chủ đề "Vai trò của công an cấp tỉnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Trong tham luận, người đứng đầu Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra 8 thách thức, yêu cầu trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh trong kỷ nguyên mới, như: An ninh đối ngoại; an ninh chính trị nội bộ; an ninh nội địa, nguy cơ bất ổn từ bên trong; an ninh kinh tế; an ninh mạng; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội...
Ông Toản sau đó cũng đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm của Công an tỉnh Bắc Giang Để bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Một trong số đó là thường xuyên quán triệt, thực hiện hiệu quả phương châm "an ninh chủ động".
"Tập trung nắm chắc tình hình, tham mưu giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, các vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo, không để các thế lực thù địch và tội phạm lợi dụng gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", tham luận của ông Toản nêu.
Một nhiệm vụ được ông Toản viết trong tham luận là: "Tập trung nắm chắc tình hình, chủ động nhận diện, phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với tấn công, trấn áp quyết liệt, điều tra xử lý có hiệu quả, không để tội phạm hoạt động lộng hành, diễn biến phức tạp, "không đi sau tội phạm"".
Theo ông Toản, trong thời gian tới, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá cao sự chuẩn bị và nội dung các bài tham luận.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu công an các đơn vị, địa phương cần chủ động sớm tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng; tổ chức nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân về kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.