1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗ lực cứu đàn voi nhà Đắk Lắk:

Kỳ 2: “Đau đầu” chuyện voi nhà sinh con

(Dân trí) - Trong một thời gian dài, việc đàn voi nhà tỉnh Đắk Lắk “bí sinh” vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến không ít các chủ voi, nài voi, các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu không khỏi “đau đầu” về vấn đề này.

Voi sinh con, chủ voi được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng, nài voi gần 170 triệu đồng là liều "doping" cần thiết trong hoàn cảnh voi nhà tại Đắk Lắk "khó" sinh sản. Tuy nhiên, môi trường nuôi nhốt cá thể là một rào cản, ngoài ra, voi vốn “kén” chọn bạn tình, yếu tố tuổi tác cộng với việc làm du lịch quá sức đã ảnh hưởng đến sức sinh sản.

Một nài voi ở huyện Lắk đang cho voi uống nước.
Một nài voi ở huyện Lắk đang cho voi uống nước.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng bộ phận Trung tâm Du lịch Bản Đôn (huyện Buôn Đôn) - cho biết, hiện Trung tâm có 4 con voi, hợp đồng với voi của người dân là 10 con. Qua theo dõi, ông Đức cho biết, có một cặp voi đực - cái thường hay quấn quýt nhau đã vài năm nhưng vẫn chưa thấy biểu hiện thụ thai, sinh con.
 
Theo ông Đức, việc voi sinh sản là khó khăn bởi không chỉ voi không chịu làm bạn tình với nhau mà tuổi tác của voi bây giờ là một rào cản. “Người dân ở Bản Đôn cứ đến mùa voi đực động dục thì họ thường đem voi cột ở trong rừng để không cho nó quậy phá, điều đó vô hình chung làm mất khả năng gặp gỡ, giao phối, sinh sản của voi”, ông Đức cho biết.

Trong khi đó, ông Y Thư Buôn Yá (SN 1942) - một “thổ dân” săn voi khi xưa tại huyện Buôn Đôn - cho biết: “Voi sinh sản khó lắm! Nó mang thai 2 - 3 năm mới sinh được! Trước kia ở Bản Đôn có nhiều voi nhưng không phải con nào cũng sinh sản được, 10 con voi cái thì có khoảng 2 hoặc 3 con sinh được. Voi cái nó kén chọn lắm, nó không gần đực đâu! Con đực nào nó đã không thích thì con voi đực theo đằng trời nó cũng không cho, nó chạy đi chỗ khác!”.

Lý giải điều này, PGS.TS Bảo Huy - Trường ĐH Tây Nguyên (Chủ nhiệm Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2010) - cho biết, cơ chế quản lý voi hiện nay tại Đắk Lắk phần lớn là được nuôi cá thể (đực riêng, cái riêng) nên khả năng sinh sản khá thấp, trong trường hợp nếu có một cặp đực - cái thì chưa chắc voi đã sinh được con. Ngoài ra, PGS.TS Bảo Huy cũng có chung nhìn nhận voi rất khắt khe trong quá trình tìm bạn tình. Trước khi làm bạn với nhau, voi đực và voi cái phải có một quá trình lâu dài “tìm hiểu”, bên cạnh đó để voi sinh sản yêu cầu một không gian yên tĩnh, môi trường sống phù hợp.

Theo PGS.TS Bảo Huy, kỳ vọng 2 con đường để có thêm voi cho tỉnh Đắk Lắk: hoặc là tập trung nuôi dưỡng, sinh sản voi với hy vọng trong khoảng 5 năm sẽ có một số cá thể voi non; hoặc là bảo vệ tốt sinh cảnh voi hoang dã tạo điều kiện cho quần thể voi rừng phát triển, đàn voi tự nhiên sẽ tăng về số đàn, tỷ lệ cá thể.

Khi nói đến điều này, PGS.TS Bảo Huy cũng cho rằng con đường nhân tạo phải làm ngay trước mắt, nếu chậm trễ voi nhà sẽ mất khả năng sinh sản. “Ở Sri Lanka, trước đây cách làm của nước này khi voi đến mùa sinh sản thường tập trung lại với nhau, sau một thời gian thực hiện, giờ Sri Lanka đã thành công khi có một đàn voi khá lớn. Ở tỉnh Đắk Lắk, nếu tiếp tục kiểu nuôi voi như hiện nay thì tương lai sẽ không còn voi nhà”, PGS.TS Bảo Huy nói.

Theo
Theo PGS.TS Bảo Huy, việc làm ngay trước mắt là tập trung nuôi dưỡng voi với hy vọng trong khoảng 5 năm sẽ có một số cá thể voi non.

Bên cạnh đó, để voi sinh sản, một “không gian yêu” cho voi là điều cần kíp lúc này. Ông Đàng Năng Long - người có nhiều voi nhất tại Đắk Lắk - cho biết, từ năm 1992 đến nay, chú voi cái Htuk trong số đàn voi nhà của ông đã đẻ được một voi con nhưng được 3 tháng tuổi thì chú voi con bị chết, từ đó đến nay không thấy tăm hơi voi cái mang thai sinh sản. “Cái mà chúng tôi cần thiết nhất lúc này là cần có một nơi chăn thả voi gần với tự nhiên hoặc bán hoang dã thì voi mới có thể duy trì được nòi giống”, ông Long thẳng thắn đề nghị.

Theo ông Long, nếu không có biện pháp can thiệp mạnh, bảo vệ kịp thời nguy cơ voi tuyệt chủng rất lớn. Để voi sinh sản phải làm ngay từ bây giờ, còn nếu để vài năm nữa mới làm thì e rằng sẽ không thể giải quyết được vấn đề này bởi vì lúc đó tuổi tác của voi đã già.

Một dẫn chứng điển hình là trong vòng 3 năm qua, theo thống kê của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã có 10 con voi nhà chết (con số này là 15 đối với voi hoang dã). Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết, hiện tỉnh Đắk Lắk quy hoạch 2 khu chăn thả voi ở huyện Lắk có diện tích 150 ha và khu chăn thả huyện Buôn Đôn diện tích 200 ha. Trong đó, khu chăn thả ở huyện Buôn Đôn sẽ có trung tâm chăn sóc sức khỏe, sinh sản cho voi nhà.

Viết Hảo