Kinh tế biển TPHCM mở trang sử mới
(Dân trí) - Chiều 17/5, con tàu container Northern Genius (Nhật Bản) tải trọng hơn 54.000 tấn, dài 264m đã tiến vào cảng SPCT qua luồng tàu Soài Rạp. Đây là con tàu có trọng tải “khủng” nhất từ trước đến nay mà cảng biển TPHCM có thể đón tiếp.
Khơi dòng “sông vàng”, đón tàu biển “khủng”
Từ trưa 17/5, đoàn công tác của Sở Giao thông Vận tải TPHCM theo cano ra cửa Soài Rạp để đón tàu Northern Genius ngay từ cửa biển. 16h ngày 17/5, con tàu khổng lồ này chính thức cập vào cầu cảng SPCT qua luồng Soài Rạp. Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT vui mừng chào đón, tặng hoa chúc mừng thuyền trưởng tàu Northern Genius và hoa tiêu dẫn tàu.
Ông Tất Thành Cang đánh giá việc cập cảng thành công của tàu Northern Genius đánh dấu cho sự phát triển mới của ngành kinh tế biển TPHCM. Như vậy, luồng tàu Soài Rạp là luồng tàu đầu tiên có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 50.000 tấn, đáp ứng thực tế là tàu trọng tải lớn ngày càng phổ biến trong các đoàn tàu vận tải hàng hải. Việc này cũng đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu qua cảng biển ở TPHCM ngày càng tăng cao.
Theo ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Phó Tổng Giám đốc cảng SPCT thì sông Soài Rạp là “dòng sông vàng” của ngành cảng biển TPHCM. Vì mặt sông Soài Rạp rộng từ 1 đến 3 km, ít khúc cua gắt, thoải mái cho những con tàu khổng lồ có chiều dài hàng trăm mét ra vào. Nhược điểm duy nhất của dòng sông này là mực nước nông nên TPHCM đã thực hiện dự án nạo vét cho sâu hơn, đủ đón tàu trọng tải lớn.
Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 cũng cho biết: “Dự án nạo vét luồng sông Soài Rạp đến nay đã đạt được 99% khối lượng, lòng sông đạt độ sâu 9,5m so với mặt nước và luồng cho tàu chạy rộng 120m - 160m. Công tác rà quét, thanh thải chướng ngại vật trên luồng đã thực hiện xong, đảm bảo an toàn cho tàu 50.000 tấn ra vào”.
Ông Chơn Tâm đánh giá luồng Soài Rạp hiện nay còn có thể đón những con tàu lớn hơn, đến 60.000 – 70.000 tấn. Hiện có nhiều hãng tàu đăng ký cho tàu lớn hơn 70.000 tấn vào cảng qua luồng Soài Rạp. Tuy nhiên, ông Tất Thành Cang cho là theo thiết kế giai đoạn 2 thì luồng Soài Rạp chỉ đón tàu trọng tải hơn 50.000 tấn. Vài năm nữa, khi luồng Soài Rạp được nạo vét sâu 12m sẽ có năng lực đón những con tàu trọng tải 70.000 - 80.000 tấn.
Mở trang sử mới cho ngành kinh tế biển
Tháng 2/1859, khi tướng De Genouilly của thực dân Pháp dẫn hạm đội tấn công thành Gia Định của nhà Nguyễn đã vào cửa Cần Giờ, theo luồng sông Lòng Tàu tiến sát chân thành Gia Định. Tướng De Genouilly đánh giá dòng sông này là “con sông vàng” vì mực nước sâu, giúp những con tàu chiến trọng tải hàng ngàn tấn (lớn nhất lúc bấy giờ) có thể thoải mái đi sâu vào nội địa, tiến sát chân thành và dùng pháo hạm tấn công thành. Thành Gia Định mất trong vòng 1 buổi cũng vì vậy.
Sau khi chiếm thành Gia Định, dựa vào lợi thế của dòng sông này, Pháp lập cảng Bến Nghé – Sài Gòn, biến Sài Gòn thành trung tâm xuất nhập khẩu của cả nước. Đến nay, luồng sông này còn được gọi là luồng tuyến Vũng Tàu - Sài Gòn, là luồng tàu biển lớn nhất cho tàu biển ra vào cụm cảng TPHCM.
Theo ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, từ hơn 100 năm nay, luồng Lòng Tàu đảm đương vai trò là thủy lộ chủ chốt kết nối giao thương giữa TPHCM với thế giới. Tuy nhiên, bước vào thời đại của những con tàu hàng khổng lồ, luồng này đã biểu hiện những hạn chế như chỉ sâu 8,5 mét, lòng sông hẹp lại có nhiều khúc cua gấp, chỉ thích hợp cho tàu tải trọng 30.000 tấn và tàu container có sức chở 2.800 TEU.
Còn luồng Soài Rạp thì có lợi thế mặt sông rộng, ít khúc cua, chỉ có nhược điểm là mực nước nông. Nhưng sau khi TPHCM tiến hành nạo vét luồng sông này sâu đến 9,5 mét thì nhược điểm mực nước nông đã được khắc phục, trở thành luồng tàu vượt hẳn mọi mặt so với luồng Lòng Tàu.
Trong buổi lễ đón con tàu 54.000 tấn đầu tiên, ông Tất Thành Cang nhận định sự kiện này đã mở ra một trang sử mới cho ngành kinh tế biển TPHCM, thúc đẩy kinh tế xã hội thành phố tiến thêm 1 bước. Theo ông Tất Thành Cang, thành phố đã nghiên cứu việc khai thác luồng tàu này từ những năm 1990, đến nay, sau 24 năm mới thành hiện thực.
Theo Ban Quản lý đầu tư dư án nạo vét luồng Soài Rạp - giai đoạn II, việc nạo vét luồng tàu biển này không chỉ phục vụ cho cảng Long An, Tiền Giang… Với việc nạo vét hoàn tất luồng Soài Rạp, các bến cảng trên sông Soài Rạp sẽ có công suất lên đến 67 triệu tấn/năm, bằng năng lực tiếp nhận của khu cảng trên sông Sài Gòn, Tân Cảng, Cát Lái và cảng trên sông Nhà Bè cộng lại.
Như vậy, sau 150 năm giữ vị trí là luồng tàu biển duy nhất của TPHCM, đến nay luồng sông Lòng Tàu đã mất ngôi vị độc tôn, nhường "sân khấu" chính cho luồng sông Soài Rạp. Trong tương lai, khi những hãng tàu hàng đầu thế giới biết đến việc cảng biển TPHCM có thể đón tiếp những con tàu khổng lồ thì tỷ trọng tàu lớn đến TPHCM sẽ nhiều hơn, lượng hàng ra vào luồng Soài Rạp sẽ ngày càng lớn và vượt qua luồng Lòng Tàu.
Tùng Nguyên