Kinh hãi cảnh rác thải nhựa dày đặc trên "đảo ngọc" của Quảng Nam
(Dân trí) - Được ví như "đảo ngọc" của tỉnh Quảng Nam, nhưng xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, rác ngập khắp các bãi biển, bờ sông.
Người dân mệt mỏi với lượng lớn rác thải liên tục đổ về
Xã đảo Tam Hải là nơi cảnh quan rất đẹp, thơ mộng, phù hợp để làm nơi nghỉ dưỡng, du lịch; tuy nhiên khu vực bãi biển Bàn Than và dọc bờ sông Trường Giang thuộc địa phận xã đảo lại tràn ngập rác thải gồm bao nilon, chai lọ, ly nhựa…
Ông Nguyễn Văn Hải (thôn Thuận An, xã Tam Hải) cho biết, tình trạng rác thải ứ đọng dọc bờ sông Trường Giang và bờ biển đã diễn ra lâu nay, gây ra mùi hôi thối không ai chịu nổi, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường khu dân cư; đặc biệt tạo môi trường thuận lợi cho ruồi, muỗi sinh sôi ảnh hưởng sức khỏe người dân.
"Để hạn chế rác thải, người dân chúng tôi đem rác đi đốt nhưng cũng không thể giảm được số lượng. Cũng có nhiều đoàn viên thanh niên tình nguyện về đây dọn rác, người dân cũng chung tay làm sạch môi trường, nhưng vài ngày thì đâu lại vào đó. Cứ dọn xong thì rác lại tấp vào, nhất là mùa mưa", ông Hải nói.
Ghi nhận của PV tại bờ sông Trường Giang, đoạn thôn Đông Tuần (gần chợ Tam Hải) và bờ biển Bàn Than, rác thải trải dài cả km. Rác thải tràn ngập khắp nơi với đủ loại, có những nơi bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy.
Rác chủ yếu là bao nilon, chai, ly nhựa cùng nhiều vật dụng phế thải khác, nổi lềnh bềnh trên mặt nước hay tấp vào ứ đọng trên bờ biển, bờ sông bốc mùi hôi thối.
Bà Lê Thị Thu (người bán nước giải khát ở biển Bàn Than) cho hay, rác thải ở bãi biển Bàn Than trải dài gần 1 km gây ô nhiễm bờ biển, làm ảnh hưởng đến du lịch.
"Du khách đến tham quan chẳng có nơi để tắm, họ ngồi uống nước rồi về, rồi không thấy quay lại nữa", bà Thu than không bán buôn được mấy vì khách "một đi không trở lại".
"Xã đảo Tam Hải nằm ở hạ nguồn sông Trường Giang đổ ra biển nên trở thành nơi hứng rác thải của đất liền. Người dân rất lo sợ rác thải ô nhiễm sẽ đe dọa tới nguồn lợi thủy sản ven bờ và nguồn nước ngầm ở địa phương", bà Thu lo lắng nói.
Quyết liệt gỡ "điểm nghẽn" rác thải
Nhận bình quân khoảng 8 tấn rác thải mỗi ngày, xã đảo Tam Hải đang đối mặt với áp lực rất lớn về rác thải sinh hoạt. Rác hiện diện khắp mọi nơi, vừa từ nguồn sinh hoạt của dân, vừa có thêm một lượng lớn từ biển trôi dạt vào. Vấn nạn này được người dân địa phương kiến nghị xử lý nhiều năm qua.
Theo UBND xã Tam Hải, năm 2020, xã có đề án về việc thu gom rác thải, trong đó có việc mua sắm thùng rác, công cụ thu gom, hợp đồng với công ty môi trường để thu gom rác đưa đi xử lý hai lần mỗi tuần.
Trong trường hợp phà hư hỏng dài ngày, xã Tam Hải sẽ tổ chức thu gom rác đưa đến điểm trung chuyển, tập kết xa khu dân cư… Địa phương cũng đã thành lập tổ thu gom xử lý rác thải trên địa bàn, phụ trách đi vào khu vực xe môi trường không tiếp cận được và mang rác thải về điểm tập kết.
Bên cạnh đó, nhiều đợt ra quân huy động lực lượng khắc phục ô nhiễm môi trường, dọn dẹp rác thải đã được triển khai. Nguồn kinh phí để hoạt động trong việc thu gom rác từ mỗi hộ đóng góp 20.000 đồng/tháng, còn lại nguồn kinh phí từ huyện, tỉnh.
Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, đề án gặp khó khăn và phải dừng lại do việc thu phí từ người dân không đảm bảo kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Công Tiến - Chủ tịch xã Tam Hải thông tin, xã chỉ thu được 20% kinh phí người dân đóng góp chi trả cho việc thu gom rác.
"Đề án bị vỡ, xã vẫn còn nợ công ty môi trường đến 116 triệu đồng hiện chưa có khả năng chi trả. Việc công ty dừng thu gom rác khiến rác thải sinh hoạt tiếp tục ách tắc. Xã đã mua về rất nhiều thùng rác, xe gom rác cỡ nhỏ nhưng giờ nếu đưa về, người dân không sử dụng sẽ rất lãng phí", ông Tiến cho hay.
Để tháo gỡ điểm nghẽn về rác thải, UBND xã đã xin ý kiến của huyện trích gần 100 triệu đồng từ nguồn kết dư để trả nợ tiền thu gom, xử lý rác thải cho công ty môi trường, đồng thời tái khởi động lại đề án thu gom rác thải.
Ông Nguyễn Công Tiến cho biết: "Có hai cái khó trong việc xử lý "điểm nghẽn" rác thải tại Tam Hải. Thứ nhất là ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, dù đã tuyên truyền, bố trí thùng rác đầy đủ nhưng đâu lại vào đó. Thứ hai là việc thu lệ phí, sắp đến địa phương sẽ quyết liệt hơn nữa để sớm chấm dứt tình trạng ùn ứ rác thải như hiện nay".