1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kiều bào đăng kí giữ quốc tịch Việt Nam từ 1/7/2009

(Dân trí) - Theo Luật Quốc tịch sửa đổi vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố sáng 4/9, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nếu chưa mất quốc tịch Việt Nam vẫn sẽ được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, những người này phải đăng kí giữ lại quốc tịch từ 1/7/2009.

Các Luật Thi hành án Dân sự, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt cũng được công bố trong sáng cùng ngày.

Luật Quốc tịch sửa đổi tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch, nhưng có ngoại lệ. Đó là trường hợp được Chủ tịch nước cho phép khi xin nhập quốc tịch Việt Nam, trường hợp quốc tịch của trẻ em là con nuôi hoặc người Việt định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch Việt Nam.

Cũng theo luật này, nhà nước công nhận người Việt định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực, vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực (1/7/2009), những người này phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, hiện trong số hơn 3 triệu người Việt đang định cư ở nước ngoài, nhiều người vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam. Từ năm 1998 đến nay, đã có hơn 2.300 kiều bào xin đăng ký giữ quốc tịch.

Cũng theo Luật sửa đổi, Người nước ngoài muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam phải xin thôi quốc tịch nước ngoài (trừ một số trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định).

Cũng trong buổi sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã giới thiệu Luật Thi hành án dân sự. Luật qui định thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm, thay vì 3 năm như pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Luật cũng quy định khá chi tiết về thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, ngăn chặn tình trạng người phải thi hành án tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thi hành án như quy định chấp hành viên có quyền phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, giấy tờ, tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch hay thay đổi hiện trạng về tài sản.

Luật cũng qui định, việc định giá, định giá lại và bán đấu giá chủ yếu do tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá thực hiện.

Trong năm 2009, TP Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm mô hình tổ chức Thừa phát lại. Theo đó, tại một số quận của TP Hồ Chí Minh sẽ có tổ chức Thừa phát lại hoạt động độc lập với cơ quan thi hành án dân sự. Cá nhân, tổ chức được thụ hưởng quyền lợi từ việc thi hành án có quyền lựa chọn đơn vị thi hành án là tổ chức Thừa phát lại hoặc cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương.

Tổ chức Thừa phát lại thi hành các bản án của tòa khi án đã có hiệu lực. Tổ chức này sẽ được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng như công an, dân phòng… khi cần các biện pháp cưỡng chế.

Về Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, theo qui định mới trong luật, một số mặt hàng bị đánh thuế tăng lên như thuế suất kinh doanh vũ trường tăng từ 30% lên 40 %; thuế kinh doanh Golf tăng từ 10% lên 20%...

Thuế suất áp dụng chung đối với dịch vụ kinh doanh massage, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng và cá cược là 30%. Tàu bay của tư nhân và du thuyền tư nhân cùng áp mức thuế suất 30%...

Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực kể từ 1/4/2009 (trừ quy định về mặt hàng như rượu, bia có hiệu lực thi hành từ 1/1/2010).

Kim Tân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm