Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và cảnh báo rủi ro của Ngân hàng SCB

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - SCB là ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước nên không phải đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Dù vậy, cơ quan này cho biết đã chủ động phát hiện, cảnh báo về rủi ro của SCB.

Thông tin này được ông Bùi Quốc Dũng, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, đề cập khi chia sẻ về hoạt động kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Theo báo cáo, năm 2023, toàn ngành Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành 135 nhiệm vụ kiểm toán, qua đó kiến nghị xử lý gần 50.000 tỷ đồng.

Riêng trong lĩnh vực kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành 10 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính gần 600 tỷ đồng.

Tính riêng giai đoạn từ năm 2012 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc liên quan đến kiểm toán ngân hàng cho cơ quan điều tra, theo ông Bùi Quốc Dũng.

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và cảnh báo rủi ro của Ngân hàng SCB - 1

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng (Ảnh: Báo Kiểm toán).

Theo quy định, chỉ có Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MB) là các đơn vị được kiểm toán. Còn lại, các ngân hàng Thương mại cổ phần khác không có vốn Nhà nước sẽ không thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Dù vậy, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết cơ quan này vẫn nỗ lực tham gia tối đa vào giám sát hoạt động của các ngân hàng Thương mại cổ phần trong phạm vi và thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra và cảnh báo những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn tới tính thanh khoản và an toàn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đang phải đối mặt, nhằm khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại cổ phần.

Chia sẻ thêm về vai trò, trách nhiệm của hoạt động kiểm toán liên quan vụ Ngân hàng SCB vừa qua, ông Dũng khẳng định SCB không thuộc phạm vi, thẩm quyền và không phải đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, vì đây là ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước.

"Mặc dù không trực tiếp kiểm toán SCB, nhưng thông qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán nhà nước đã chủ động phát hiện và đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro của ngân hàng SCB", ông Dũng thông tin.

Những cảnh báo rủi ro đó, theo ông Dũng, liên quan việc SCB tăng trưởng tín dụng vượt quá chỉ tiêu cho phép; thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phải vay hỗ trợ thanh khoản và vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước với khối lượng lớn; cấp tín dụng cho cổ đông là cá nhân với số tiền lớn hơn số vốn góp vào chính tổ chức tín dụng…

Kiểm toán Nhà nước cũng đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá lại chất lượng tài sản bảo đảm của các khoản cho vay đặc biệt; đánh giá, xác nhận khả năng thu hồi nợ gốc, lãi của khoản cho vay đặc biệt SCB và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và cảnh báo rủi ro của Ngân hàng SCB - 2

Kiểm toán Nhà nước cho biết cơ quan này đã tham gia tối đa vào giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần trong phạm vi và thẩm quyền (Ảnh minh họa: Báo Kiểm toán).

Do các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán nên Kiểm toán Nhà nước không thể kiểm toán, đối chiếu, kiểm tra hồ sơ trực tiếp với các ngân hàng này, mà chỉ có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu thông qua các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Dũng, việc này dẫn đến các kết quả kiểm tra, đánh giá, cảnh báo và khuyến nghị chỉ mang tính gián tiếp, hiệu quả còn hạn chế.

Từ thực tế đã chia sẻ, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng có độ mở hơn, tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước tham gia sâu, trực tiếp hơn vào việc giám sát hệ thống ngân hàng, nhất là đối với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh vi phạm trong hoạt động ngân hàng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện, ông Dũng nhấn mạnh cần chế tài đủ mạnh đối với trường hợp các đơn vị được kiểm toán không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, theo ông Dũng, cần chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những rào cản ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để kiến nghị các cơ quan Nhà nước hoàn thiện.

Từ 9h ngày 5/6 đến 15h cùng ngày, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Ông Tuấn sẽ trả lời về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm.

Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán cũng như giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán, cũng là nội dung chất vấn dành cho ông Ngô Văn Tuấn.