Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Cần chương trình mục tiêu quốc gia về môi trường
(Dân trí) - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đưa ra quan điểm để bảo vệ môi trường của cả quốc gia trong dài hạn, cần tính đến chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường.
Sáng 3/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn, trả lời chất vấn dành cho 4 bộ trưởng, trưởng ngành.
Thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Thời gian trả lời chất vấn của ông Khánh từ 8h10 ngày 4/6 đến 14h20 cùng ngày.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, gồm việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước.
Ông Khánh cũng trả lời về giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Ngoài trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng TN&MT, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, Xây dựng, GTVT, cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước đó về một số vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đề cập tới tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 sông lớn; 392 sông, suối liên tỉnh và 3.045 sông, suối nội tỉnh. Tổng lượng nước trung bình nhiều năm của Việt Nam khoảng 935,9 tỷ m3/năm.
Ông cho biết do tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn đã liên tục xảy ra đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điển hình như mùa khô 2015-2016, 2019-2020 và mặn cục bộ đầu năm 2024 vừa qua, xâm nhập mặn có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây.
Trong mùa khô năm 2024, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu khoảng 75 tỷ m3 (tính hết tháng 4/2024) - thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%. Riêng trong tháng 5 là khoảng 11 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%.
Ông Khánh phân tích, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và phân bố không đều theo không gian và thời gian, trong khi đó, rừng đầu nguồn bị suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông…
Cũng theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, áp lực phát triển kinh tế - xã hội khiến nhu cầu nước tăng nhanh chóng.
"Bình quân trong 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần do sự gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỷ m3/năm, đến năm 2050 khoảng 131,7 tỷ m3/năm", báo cáo nêu rõ.
Trong khi đó, ông Khánh nêu thực trạng đáng lo ngại khi ô nhiễm nguồn nước gia tăng, suy giảm, cạn kiệt dòng chảy ở nhiều dòng sông, đoạn sông…
Giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; tình trạng thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cũng được Tư lệnh ngành tài nguyên nêu trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội.
Ông cho biết từ năm 2025, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh.
Bộ trưởng Khánh cũng nhấn mạnh phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết" là một trong những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong những năm tới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng trình Thủ tướng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm "sống lại" các dòng sông.