Kiểm soát tài sản, thu nhập của Ủy viên Trung ương được quy định thế nào?
(Dân trí) - Sự việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập… đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết sẽ báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị xem xét, quyết định về các vi phạm nghiêm trọng của ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhiều bạn đọc thắc mắc quy định hiện hành về kiểm soát tài sản, thu nhập của Ủy viên Trung ương Đảng hiện nay như thế nào?
Sáng 18/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, hai chuyên gia pháp luật của Thanh tra Chính phủ cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định 130/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và Quyết định số 56-QĐ/2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, đang là cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Ngoài ra, vào tháng 11/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Hướng dẫn số 03 nêu rõ, xác minh tài sản, thu nhập là việc cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai.
Đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ nơi đối tượng có nghĩa vụ kê khai công tác gửi bản kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai hình thành trước thời điểm ban hành Hướng dẫn số 03, nộp về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trước ngày 31/01/2023.
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập các cấp căn cứ Quy định số 80-QĐ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để xác định đối tượng có nghĩa vụ kê khai của cấp mình theo quy định.
Như vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; ước tính vào khoảng 600 người.
Số lượng đảng viên được xác minh tài sản, thu nhập được lựa chọn tối thiểu bằng 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm (bao gồm cả người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo), trước hết là đảng viên có đơn, thư phản ánh, tố cáo biến động về tài sản, thu nhập; đảng viên công tác tại cơ quan, đơn vị dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và đảng viên là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Hướng dẫn số 03 nêu rõ, quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập ở cấp Trung ương là Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Thông tin, dữ liệu kê khai tài sản, thu nhập được quản lý, khai thác để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, xác minh tài sản, thu nhập; cung cấp theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy hoặc Ủy ban kiểm tra cấp trên.
Đáng chú ý, cuối tháng 3 năm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có Công văn 2980-CV/UBKTTW hướng dẫn xây dựng đề cương kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Hướng dẫn yêu cầu tổ chức Đảng có thẩm quyền quản lý cán bộ báo cáo bằng văn bản, trong đó nhận xét, đánh giá về kết quả việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.
Nếu xuất hiện một trong các căn cứ sau thì đoàn kiểm tra, giám sát phải báo cáo Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định việc thẩm tra, xác minh tài sản, thu nhập: Có đơn, thư phản ánh việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập mà không kê khai, hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc biến động; có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc có chỉ đạo của cấp trên.
Ngoài ra, nếu đối tượng kiểm tra, giám sát bị tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì đoàn cũng báo cáo Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương để lập đoàn giải quyết nhưng theo thủ tục giải quyết tố cáo.
Kết thúc cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ thảo luận, xem xét kết luận báo cáo của đoàn kiểm tra, giám sát. Nếu có dấu hiệu vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập thì sẽ quyết định chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
2023 là năm đầu tiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương triển khai nhiệm vụ xác minh tài sản, thu nhập hằng năm của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Kết luận vừa công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.
Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Liên quan đến vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức đảng, đảng viên. Vì thế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan.