Khoán xe công để chống lãng phí tiền dân!

(Dân trí) - "Muốn đánh giá mức lãng phí trong sử dụng xe công thì phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, định mức. Theo quy định mới, Bộ trưởng được đi xe 850 triệu đồng. Nhưng quy định vừa ban hành, Bộ Tài chính lại tăng thuế, phí… đến không mua nổi xe nữa".

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển trao đổi bên lề Quốc hội sau khi trình báo cáo thẩm tra dự luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi hôm nay, 5/6.
 
Dư luận thời gian qua xôn xao về thông tin Thứ trưởng lương chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho xe công tốn gấp 3-4 lần. Thống kê mới nhất, chỉ tính riêng số xe công phục vụ các chức danh cũng lên đến gần ngàn chiếc. Bức xúc này đã từng được đặt ra không ít lần. Đề án khoán xe công cũng được đề cập xây dựng từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa “thành hình”. Ông đánh giá gì về việc này?

Gọi là khoán thì phải có tiêu chuẩn, định mức, định lượng để so sánh, người đáng thế này thì sử dụng xe này, nhà công vụ thế kia… tùy theo chức danh hoặc yêu cầu công việc. Vì việc phân chia, xác định tiêu chuẩn định mức cũng khó nên người ta đưa ra đề xuất khoán. Những đơn vị sử dụng kinh phí tiết kiệm thì có thể dùng nguồn tiết kiệm này để nâng cao đời sống, thu nhập cho cán bộ, công chức.

Cơ chế khoán phương tiện đã nhiều lần được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến, thậm chí còn xây dựng cả đề án, nhưng có lẽ quá trình triển khai không được như mong muốn. Đề xuất đặt ra như thế nhưng chưa thấy ai đưa ra cách khoán thế nào.
 
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách: Thực hiện khoán để giảm số lượng xe công (ảnh: Việt Hưng).
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách: "Thực hiện khoán để giảm số lượng xe công" (Ảnh: Việt Hưng).

Rõ ràng là hướng “khoán” sẽ giải quyết tốt những bất cập hiện nay như lạm dụng, xe công đi lễ chùa, đi đám cưới, thanh lý xe cũ, thay thế xe quá hạn…?

Khoán là hiệu quả nhưng phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và đã triển khai là phải đồng bộ chứ không phải bộ ngành, địa phương này thực hiện, bộ ngành, địa phương khác lại không. Theo tôi, vấn đề này cần phải thực hiện thí điểm ở một số tỉnh, thành. Sau khi thực hiện thí điểm, chúng ta mới có thể rút kinh nghiệm, xem mặt nào được và chưa được thì mới nhân rộng cơ chế khoán sử dụng tài sản công trong cả nước. Khi đó, các cơ quan mới thực hiện được giảm số lượng xe công.

Ví dụ, cần tính một chiếc xe theo tiêu chuẩn cụ thể, khấu hao bao nhiêu năm, cộng với chi phí “nuôi” lái xe, xăng dầu... Nhưng nhiều khi thông tin đưa ra khó mà đầy đủ. Với người nhận khoán, đồng tiền quan trọng nhưng ngoài ra, có nhiều vấn đề như đảm bảo giờ giấc, trách nhiệm, an toàn thế nào. Chẳng hạn, ngay ở UB Tài chính ngân sách của chúng tôi, khi chưa bố trí được xe đưa đón theo chế độ, cán bộ cũng buộc phải nhận khoán nhưng không thuận tiện như khó gọi xe khi gặp trời mưa, lỡ cả công việc…

Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện nhỏ, nên về cơ bản tôi đồng tình với việc khoán tiêu chuẩn xe công.

Được biết, đề án xây dựng có hướng đến việc thành lập một số đơn vị cung cấp dịch vụ xe đưa đón công. Nhưng việc này chưa nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành, địa phương?

Phải khẳng định cơ chế khoán có lợi cho nhà nước và thuận tiện cho cả người nhận khoán, góp phần tăng dịch vụ đưa đón. Vấn đề là mua sắm theo tiêu chuẩn thế nào, trả tiền lái xe ra sao, xăng dầu thế nào.

Tôi biết ở Lào đã thực hiện theo mô hình này. Ví dụ, một cán bộ ở hàm bộ trưởng thì tiêu chuẩn được mua xe, mỗi một tháng được sử dụng 180 lít xăng. Sau đó, người này sử dụng xe đi đâu, làm gì cũng được, kể cả đi đền chùa hay sử dụng vào việc riêng. Khi hết thời gian khấu hao, người đó có thể được thanh lý luôn chiếc xe. Nếu thực hiện được cơ chế khoán như thế sẽ rất tốt, nên khuyến khích.

Ông đánh giá thế nào về những lãng phí trong việc sử dụng xe công hiện nay?

Muốn đánh giá được lãng phí bao nhiêu thì phải xây dựng được hệ thống, tiêu chuẩn, định mức chuẩn. Tiêu chuẩn của chúng ta vừa ban hành ra đã lạc hậu, không đi vào cuộc sống. Ví dụ, quy định hiện tại, cán bộ cấp Bộ trưởng được đi xe trị giá 850 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định vừa ban hành thì Bộ Tài chính lại tăng thuế nhập khẩu xe, linh kiện, thiết bị, thuế tiêu thụ đặc biệt… Tính lại, với mức giá này rõ ràng không mua nổi chiếc xe.

Việc ban thành tiêu chuẩn định mức, lĩnh vực nào sử dụng tài sản công, tài nguyên thì cần chặt chẽ hết sức để tiết kiệm chống lãng phí. Nhưng có những vấn đề thuộc quyền cá nhân như ma chay, cưới xin, lễ hội… chỉ nên động viên, khuyến khích tiết kiệm, chứ không thể áp đặt theo kiểu tiệc cưới tối đa bao nhiêu mâm, đám hiếu tối đa là bao nhiêu vòng hoa…

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)