1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Xây mới trụ sở “xoành xoạch” - lãng phí nghiêm trọng hơn tham nhũng

(Dân trí) - Có trụ sở cơ quan xây dựng mới 10 năm, đang sử dụng tốt vẫn được đập đi xây lại, rõ ràng lãng phí lớn. Cán bộ tham nhũng 1 tỷ đồng so với trường hợp người lãnh đạo ra quyết định sai gây lãng phí 30-50 tỷ đồng, hành vi nào nghiêm trọng hơn?

Đây là câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đưa ra trong phiên thảo luận tại tổ về dự án luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi chiều 6/6.
 
Cán bộ đi máy bay hạng thương gia

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước (đại biểu tỉnh Gia Lai) cho rằng, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên bắt đầu ngay từ những việc làm cụ thể như tiết kiệm trong việc họp hành, đi lại của các cơ quan nhà nước. “Có cần phải đi máy bay hạng thương gia, khởi công động thổ gì cũng phải có mặt?”, ông đặt câu hỏi.

Ông lấy ví dụ cách tiết kiệm hồi ông còn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. “Bản thân tôi không đi máy bay hạng sang, thứ trưởng không ai dám đi”, ông nói.
Xây mới trụ sở “xoành xoạch” - lãng phí nghiêm trọng hơn tham nhũng
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước (phải): "Khi làm Bộ trưởng, tôi không đi máy bay hạng sang, không thứ trưởng nào dám đi" (ảnh: Việt Hưng).

Cũng chia sẻ những trải nghiệm khi còn đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị kể chuyện ông đã bỏ được thông lệ cứ mít tinh kỷ niệm là tặng quà. “Về văn hóa, như vậy không sang trọng, lịch sự, thậm chí người nhận đôi khi cũng không dùng quà đó. Nhưng những việc đó thực hiện chưa được bao nhiêu và chưa thành quy chế” - ông Nghị nói.

Ông Nghị cho rằng, không ít thông lệ có thể bỏ được, lại tránh lãng phí, ví như việc gắn hoa lên ngực đại biểu trong các hội nghị. Bí thư Hà Nội còn cho biết, đã học tập nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười kinh nghiệm này. Bí thư Hà Nội phân tích, mỗi hội nghị hàng nghìn người, mỗi bông hoa vài nghìn đồng, dùng ít phút, lãng phí lại ô nhiễm môi trường.

Trên cương vị Bộ trưởng, ông cũng “cấm ngặt” phong trào bắn pháo phụt có giấy trang kim bên trong của Trung Quốc tại mỗi chương trình, lễ kỷ niệm tổ chức tại Nhà hát Lớn, vừa lãng phí vừa tạo rác bám dính vào phông màn sân khấu, rơi xuống người đại biểu... Bất cứ đơn vị nào muốn thuê Nhà hát Lớn để tổ chức sự kiện khi đó đều phải cam kết không sử dụng loại pháo này mới được đồng ý.

“Nếu ai cũng có ý thức tiết kiệm thì làm được biết bao nhiêu việc có ích cho xã hội, chưa cần nói đến tiết kiệm xăng, xe…” - ông Nghị chốt lại.

Lãng phí chính sách nghiêm trọng hơn tham nhũng

Nhìn nhận những biểu hiện lãng phí ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) dẫn lại quy định cấm tiếp khách bằng rượu ngoại nhưng bị buông lửng, không thực hiện được.

Lãng phí khác có tính xuể là việc sử dụng trụ sở làm việc. Các cơ quan đua nhau xây dựng. Thậm chí có trụ sở mới xây được khoảng 10 năm, đang sử dụng tốt nhưng vẫn được đập đi xây lại vì không còn phù hợp với hệ thống chức năng chung. Lý do, theo bà Thúy, nghe có vẻ hợp lý nhưng hệ quả cuối cùng dẫn đến những lãng phí lớn.

Nghiêm trọng hơn cả, theo nữ đại biểu Đà Nẵng là lãng phí trong việc lập kế hoạch, quy hoạch, ra quyết định, chính sách sai. Bà Thúy liệt kê một loạt biểu hiện như chủ trương xây dựng nhà máy mía đường, xi măng lò đứng, sân bay cảng biển, đánh bắt xa bờ… giai đoạn trước cho đến quyết định chuyển đổi chợ, xây chợ mới rồi để không vì bà con tiểu thương không ai muốn vào buôn bán…
 
Xây mới trụ sở “xoành xoạch” - lãng phí nghiêm trọng hơn tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: "Nghiêm trọng nhất là ra quyết định sai khiến cả ngàn tỷ đồng bị ném qua cửa sổ".

Đại biểu phàn nàn, tất cả những quyết định đầu tư đó, rõ ràng thấy hệ quả, sai trái nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm và cũng chưa có văn bản nào chỉ rõ để xem trách nhiệm người ra quyết định như thế nào. Trong khi, so với những vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như khai khống khối lượng thi công, bớt xén vật tư, mua bán thầu… bà Thúy cho rằng những chủ trương, chính sách, quyết định sai còn để lại hệ quả nghiêm trọng hơn.

“Mang luật này so sánh với luật phòng chống tham nhũng thì có cảm giác chúng ta đang tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng nhiều, quyết liệt hơn là chống lãng phí trong khi chưa chắc lãng phí đã thua tham nhũng về mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm. Nhưng dường như nghe từ “lãng phí” lại thấy nhẹ nhàng, dễ chịu hơn là tham nhũng” – bà Thúy băn khoăn.

Đại biểu “phê” dự thảo luật mới chỉ đề cập đến lãng phí trong việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước, sức lao động, thời gian làm việc… mà chưa xét đến lãng phí do chính sách, quyết định sai mang lại. Dẫn thêm ví dụ về những quyết định đầu tư không chuẩn như việc các địa phương đua nhau làm sân bay, cảng biển để rồi có sân bay quốc tế mỗi tuần chỉ đón vài ba lượt khách, có cảng biển nước sâu làm tốn “tiền rừng bạc bể” mà tàu trọng tải lớn vẫn phải sang chuyển hàng từ ngoài khơi đưa vào… bà Thúy bức xúc vì cho rằng, những sự lãng phí đó không phải không thể lường trước, không có thông tin cảnh báo.

Lãng phí xảy ra khắp nơi, từ việc không tắt bóng đèn khi ra khỏi phòng đến việc dùng giấy in không tận dụng cả 2 mặt, cúp giờ làm việc đi cà phê… nhưng đại biểu cho rằng, đó chỉ là những biểu hiện ở phần ngọn. Nghiêm trọng nhất vẫn là lãng phí do ra quyết định sai khiến cả ngàn tỷ đồng bị ném qua cửa sổ. Vấn đề là người ra quyết định đó sau cùng chỉ bị phê bình, khiển trách sơ sơ.

Nữ đại biểu đặt câu hỏi: “So sánh việc một cán bộ tham nhũng 1 tỷ đồng với trường hợp người lãnh đạo ra quyết định sai gây lãng phí 30-50 tỷ đồng, hậu quả nào lớn hơn, hành vi nào gây thiệt hại nghiêm trọng hơn?”.

Nêu cảm giác, luật “đang thiếu thiếu gì đó”, bà Thúy đề nghị cần tập trung xây dựng các cơ chế, quy định buộc trách nhiệm đối với người ra quyết định, chủ trương, chính sách sai gây lãng phí.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cũng “phát sốt” vì báo cáo của Chính phủ nêu rõ số tiền lãng phí 20.000 tỷ trong mấy năm. Đánh giá mức độ nguy hiểm cao của việc lãng phí, ông Thạch băn khoăn vì kết cục không đưa được người lãng phí nào ra tòa xử. Chỉ những người phạm tội tham nhũng mới bị lên án, trừng phạt, trong khi độ nghiêm trọng chưa biết hành vi nào hơn.

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) kiến nghị nguyên tắc gắn chặt 3 phạm trù lãng phí - quan liêu - tham ô vì các hành vi này đi liền, liên quan chặt chẽ với nhau. Ông Bình đề xuất quy định trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra lãng phí, ngoài giải trình trước cơ quan chức năng còn phải giải trình trước công luận, khi báo chí phát hiện, nêu hiện tượng.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm