“Bộ Công an chưa được mua máy bay phục vụ chữa cháy”
(Dân trí) - “Phương án sử dụng máy bay để chữa cháy rất khả thi, chúng tôi rất cần. Bộ Công an cũng muốn đề xuất mua máy bay phục vụ công tác PCCC nhưng hiện mới được giao làm đề án mua máy bay trực thăng phục vụ công tác chiến đấu, chống tội phạm”…
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an - trao đổi bên hành lang Quốc hội về nhiều vấn đề rút ra sau vụ hỏa hoạn tại cây xăng ở Hà Nội vừa qua.
Cảnh sát PCCC vào cuộc… bị động
Vụ hỏa hoạn tại cây xăng ở Hà Nội vừa qua, quá trình chữa cháy được cho là đã bộc lộ nhiều vấn đề về nhân lực, trình độ chuyên môn của lực lượng cảnh sát PCCC. Là người trong ngành, ông có lý giải gì về rất nhiều lúng túng của cán bộ chiến sĩ?
Đúng là việc lúng túng đã thể hiện rất rõ. Lực lượng cảnh sát PCCC vẫn tập luyện, chuẩn bị thường xuyên nhưng khi ra quân, số lượng rõ ràng không phải thiếu nhưng cách điều phối còn chưa chặt chẽ. Công tác triển khai cứu hỏa rõ ràng còn bất cập.
Nhiều ý kiến cho rằng vụ cháy vừa rồi xảy ra tại một cây xăng ngay ở mặt đường lớn mà công tác chữa cháy còn khó khăn như vậy. Nếu vụ việc xảy ra ở những địa bàn chật hẹp hơn, điều kiện tác nghiệp hạn chế hơn thì hậu quả còn chưa biết thế nào. Có phải cơ quan quản lý nhà nước về việc này thực sự bị động trong công tác phòng cháy khi không lường trước hết những nguy cơ hiện hữu?
Không phải là bị động vì có khi những khu vực sâu hơn có thể phương tiện lại vẫn vào được đến nơi. Tùy từng vụ việc có những cái khó khác nhau. Vụ vừa rồi là ở chỗ không có họng nước, tức thiếu điều kiện để tác nghiệp. Vụ ở đường Âu Cơ, cháy nhà cũng vậy, khi xe đến nơi thì không có họng nước để rút ra phục vụ việc chữa cháy, lại phải chờ xe tiếp nước đến.
Nguy cơ hỏa hoạn từ 500 cây xăng ở nội thành Hà Nội cũng chỉ là một khía cạnh. Liên tiếp nhiều vụ cháy trong thành phố gần đây cho thấy không ít nguồn nguy cơ khác như những khu chung cư cao tầng, khu tập thể cũ, xưởng máy, chợ búa… Sau vụ việc này, Bộ Công an tính đến việc rà soát lại các khâu để định lượng tình hình?
Chúng ta có lực lượng PCCC và nếu lực lượng có rất mạnh đi nữa cũng vẫn không thể đáp ứng mọi yêu cầu. Cái chính giờ là dựa vào lực lượng chữa cháy trong nhân dân, nhất là yêu cầu phòng cháy phải đặt ra nghiêm ngặt. Mỗi khu chung cư cao tầng, khu tập trung đông dân cư, các chợ, trạm xăng… mỗi người dân đều phải ý thức chấp hành quy định để có thể tự phòng ngừa là tốt nhất vì để xảy ra thì khi lực lượng xử lý được cũng là thiệt hại rất lớn.
Còn về phía lực lượng Công an, chúng tôi cũng sẽ tăng cường lực lượng, giáo dục anh em trách nhiệm tập luyện xử lý tình huống, thao tác cho nhuần nhuyễn để khi có sự cố xảy ra thì vào cuộc cho có hiệu quả.
Cần máy bay chữa cháy nhưng chưa có… “cửa”
Vấn đề phương tiện chữa cháy cũng được nhắc tới trong vụ này như một cảnh báo về chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng chuyên ngành?
Về phương tiện, chúng tôi đang quá thiếu. Mỗi đội cảnh sát PCCC ở địa phương bây giờ thông thường chỉ được trang bị một xe cứu hỏa mà có những xe từ đời lâu lắm rồi, chất lượng không đảm bảo. Khi xảy ra sự cố, có khi xe đến được hiện trường thì cũng không thao tác được. Chính phủ đã cho làm dự án trang bị thêm phương tiện PCCC cho lực lượng nhưng nguồn lực của dự án cũng chưa đảm bảo cho việc mua sắm thêm phương tiện.
Giờ chúng tôi phải tìm cách xã hội hóa, buộc một số đơn vị như các khu công nghiệp, nhà máy, khách sạn phải lo phương tiện, cảnh sát chỉ phối hợp lo lực lượng và nghiệp vụ, tổ chức lực lượng phòng cháy nhân dân để góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ vì lực lượng chính quy nhiều khi cũng không xử lý hết.
Trong thế khó như vậy, ngành có hướng đầu tư ưu tiên như tập trung trang bị thêm các loại xe chữa cháy phổ biến hay nhắm vào các phương tiện đặc chủng như xe thang cỡ lớn, máy bay trực thăng…?
Nói chung hướng nào chúng tôi cũng muốn nhưng đều khó vì dự án thực hiện ở các thành phố lớn thì phải trang bị những xe hiện đại như xe thang chữa cháy ở nhà cao tầng, có những hóa chất chữa cháy có hiệu quả nhất. Còn các Sở cảnh sát PCCC ở những nơi khác thì lại đặt vấn đề mua các xe chữa cháy.
Trước tiên, chúng tôi xác định quan điểm phải tiếp cận ngay các phương tiện hiện đại chứ không mua loại đã lạc hậu, hiệu quả kém. Ngay cả các chất chữa cháy cũng phải, hướng tới các chất hiện đại, tác dụng tốt.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, thành phố đang thiếu các phương tiện chữa cháy hiện đại. Cố gắng tối đa Hà Nội mới chỉ đang đặt mua một chiếc trực thăng phục vụ công tác cứu hỏa. Số xe thang có thể tham gia chữa cháy ở những tòa nhà cao từ 39 tầng trở lên cũng chỉ có 1-2 chiếc. Tình hình chung của cả nước có sáng sủa hơn không, thưa ông?
Tình hình chung của cả nước cũng vậy thôi. Hiện nay cả nước chưa có máy bay nào để thực hiện nhiệm vụ PCCC. Vừa qua, tại TPHCM, Sở cảnh sát PCCC thành phố đưa được vào hoạt động một tàu chữa cháy trên sông giá trị của con tàu khoảng 52 tỷ đồng do UBND thành phố cấp tiền đóng. Nếu có hỏa hoạn trên sông hoặc ven sông thì tàu chữa cháy này sẽ xử lý rất có hiệu quả. Hiện một số Sở khác cũng đang nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các địa phương để có thể hỗ trợ, đóng thêm các tàu chữa cháy trên sông, trên biển tương tự.
Việc này tùy thuộc cố gắng của từng địa phương. Còn các phương tiện chữa cháy khác cũng có đề án của Chính phủ như tôi đã nói nhưng nguồn kinh phí còn rất hạn hẹp nên không phải một lúc mua sắm đầy đủ luôn cả. Trước hết phải tập trung mua sắm một số phương tiện phổ biến, sau đó đến lúc nào có đủ kinh phí sẽ mua đồng loạt để cấp cho các địa phương.
Ngoài ra, cũng còn một nguồn khác từ các tổ chức quốc tế, thậm chí có trường hợp Việt kiều tại Mỹ đã từng thu gom các xe chữa cháy đã qua sử dụng (còn 80-90%), được hơn 100 xe đưa về hỗ trợ, đến nay số xe vẫn sử dụng rất tốt.
Đề xuất mua máy bay trực thăng để chữa cháy cũng đang gặp nhiều ý kiến “can gián” về điều kiện thành phố nhà cửa chen cứng, dây diện chằng chịt, khó khả thi?
Phương án sử dụng máy bay để chữa cháy rất khả thi, rất cần thiết, vấn đề là tổ chức mua sắm và sử dụng như nào cho hiệu quả. Có được chiếc máy bay để chữa cháy hay tàu chữa cháy ven biển, ven sông thì rất hiệu quả. Với ngõ ngách, hẻm nhỏ, máy bay vẫn có thể hoạt động được, các nước đều đã thực hiện.
Vậy với quy mô cả nước, có nên đề xuất trang bị hàng loạt máy bay để phục vụ việc cứu hỏa, thưa Thứ trưởng?
P.Thảo (thực hiện)