1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không thể vượt lên với vòng kim cô quanh đầu”

"Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai", TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nói về cơ hội vàng của năm 2013.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2115/Gop-y-kien-sua-doi-Hien-phap.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp</b></a>

Năm 2013 là thời điểm diễn ra một sinh hoạt chính trị lớn - toàn dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp. Theo ông, việc này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào với cả dân tộc?

-  Việc này rất quan trọng.

Trước hết, dân tộc ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới. Đây là thời kỳ của hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Không có những cải cách sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội, chúng ta không thể thành công.

Đã hội nhập thì chúng ta phải chấp nhận các chuẩn mực của quốc tế. Đã cạnh tranh thì phải giải phóng được mọi tiềm năng của mình. Những rào cản và những trói buộc không đáng có cần phải được tháo dỡ. Rõ ràng, chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (giữa): Những rào cản và trói buộc không đáng có cần phải được tháo dỡ.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (giữa): Những rào cản và trói buộc không đáng có cần phải được tháo dỡ. Ảnh: Lê Anh Dũng
 
Đây cũng cơ là hội rất quan trọng để thực hành dân chủ. Dân chủ là việc chính sách, pháp luật được hình thành trên cơ sở ý chí của đa số. Chính kiến xã hội được hình thành trên cơ sở tranh luận xã hội. Việc thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ giúp hình thành hàng loạt chính kiến của chúng ta về những vấn đề hệ trọng nhất của luật hiến pháp, đồng thời cũng giúp hoạt động lập hiến phản ánh được ý nguyện của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Quyền lập hiến

Vai trò của người dân đối với bản Hiến pháp sửa đổi cần được thể hiện như thế nào? Liệu có nên chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến đóng góp vào bản dự thảo sửa đổi hay mở rộng đến quyền của dân được phúc quyết Hiến pháp?

- Theo tôi, ở đây người dân không chỉ có vai trò, mà lớn hơn rất nhiều là có chủ quyền.

Chủ quyền nhân dân trước hết thể hiện ở quyền lập hiến của nhân dân. Quyền lập hiến của nhân dân trước hết thể hiện ở quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Khi mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì mọi quyền lực đều chỉ hợp pháp khi được nhân dân phân chia. Chính vì vậy, bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân là bảo đảm tính chính danh của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước.

Hiến pháp còn được coi là một bản kế ước xã hội. Đây là sự cam kết của tất cả mọi công dân đất Việt về hệ thống giá trị mà chúng ta theo đuổi, về những nguyên tắc tổ chức đời sống xã hội mà chúng ta tuân thủ, về việc phân chia quyền lực mà chúng ta tôn trọng… Không được toàn thể nhân dân thông qua thì làm sao Hiến pháp có thể trở thành một bản kế ước xã hội được.

Thực ra, Hiến pháp năm 1992 không quy định về việc sửa đổi Hiến pháp thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Tuy nhiên, điều này không cản trở việc Quốc hội đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra toàn dân phúc quyết. Bởi vì quyền lập hiến là quyền tự nhiên của nhân dân, chứ không phải là một quyền hiến định.

Như ông từng viết trong một tờ tạp chí mới đây, theo tinh thần Hiến pháp năm 1946, hầu hết các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm. Hiến pháp không đặt vấn đề Nhà nước bảo đảm các quyền đó, mà ghi nhận các quyền đó như những quyền đương nhiên do tạo hóa ban cho. Tinh thần này có được kế thừa ở các bản Hiến pháp sau đó và đặc biệt bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này không?

- Tinh thần này thể hiện rõ hơn ở bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải xác định được quyền lập hiến thuộc về ai.

Nếu Hiến pháp là văn bản của Nhà nước, thì nói Nhà nước bảo đảm các quyền con người chỉ là tuyên ngôn của Nhà nước. Nếu Hiến pháp là văn bản của nhân dân (được nhân dân thông qua, hoặc phúc quyết), thì nói Nhà nước bảo đảm quyền con người là nhiệm vụ được giao cho Nhà nước. Cũng là việc Nhà nước bảo đảm quyền con người cả, nhưng trường hợp đầu là thiện chí của Nhà nước, trường hợp sau là trách nhiệm của Nhà nước.

Cơ hội vàng không thể bỏ qua

Liên hệ với những bài học lịch sử, trong những lần sửa đổi Hiến pháp trước đó người dân có được tham gia hay không và có vai trò như thế nào? Người dân đã được tạo điều kiện để hưởng quyền và thể hiện nghĩa vụ là một người chủ đích thực của đất nước hay chưa?

- Trong các lần sửa đổi Hiến pháp mà tôi được biết, thì người dân đều được tham gia đóng góp ý kiến. Cơ quan soạn thảo và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cũng đã cố gắng tiếp thu ý kiến của nhân dân.

Tuy nhiên, vấn đề quyền phúc quyết của nhân dân chưa bao giờ được đặt ra mạnh mẽ như lần này. Tôi cho rằng chủ nghĩa lập hiến và tư tưởng pháp quyền đã có bước phát triển rất vượt bậc trong đời sống của xã hội chúng ta.

Cả nước đang bàn chuyện sửa Hiến pháp trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2012 vừa kết thúc bằng những con số không vui và chứng kiến nhiều khó khăn còn kéo dài. Theo dự báo, những tín hiệu không mấy sáng sủa của nền kinh tế sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2013 nếu không có những biện pháp từ tầm vĩ mô. Nếu để gửi một thông điệp năm mới trong bối cảnh như vậy, ông sẽ nói gì?

- Muốn có bước phát triến mới chúng ta phải có thêm động lực. Cải cách hiến pháp có thể mang lại nguồn động lực đó. Sửa đổi Hiến pháp lần này vì vậy chính là cơ hội vàng không thể bỏ qua.

Theo Lê Nhung

Vietnamnet