Sau tái cơ cấu, Vinashin đủ khả năng trả nợ?
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 2108/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) theo hướng tập trung vào 3 lĩnh vực: đóng tàu và sửa chữa tàu thủy, phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Tàu Hoa Sen sẽ tái hoạt động vào cuối năm nay.
Bốn mục tiêu chiến lược "vực dậy" Vinashin
Đề án này nhằm mục tiêu tái cơ cấu toàn diện Vinashin để tiếp tục duy trì, củng cố, ổn định và phát triển ngành cơ khí đóng tàu. Xây dựng ngành cơ khí đóng tàu là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển ngành cơ khí chế tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tái cơ cấu toàn diện Vinashin nhằm tổ chức kinh doanh hiệu quả, có lãi và trích khấu lao động hàng năm, từng bước trả nợ để lấy lại uy tín của Tập đoàn.
Việc tổ chức, sắp xếp các doanh nghiệp trong Tập đoàn thực hiện theo lộ trình phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tế của từng loại hình doanh nghiệp. Tái cấu trúc nhằm thu hồi vốn để trả nợ, hạn chế thấp nhất thiệt hại vốn và tài sản của Nhà nước, tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của chính Tập đoàn.
Theo Đề án này, Vinashin sau tái cơ cấu đảm bảo tổ chức tập trung, chuyên môn hóa cao, có năng lực đóng và sửa chữa tàu đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hướng kinh doanh phát triển công nghiệp phụ trợ phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu được 50% vào năm 2015. Hệ thống doanh nghiệp đóng tàu phát triển mạnh, phân bố đều giữa các vùng miền trong cả nước.
Dự kiến, mô hình tổ chức của Tập đoàn sau tái cơ cấu có 43 công ty. Trong đó, gồm: công ty mẹ - Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, 19 công ty con, 1 công ty liên kết, 22 công ty cháu.
Theo Bộ GTVT, sau tái cơ cấu, tổng tài sản của Tập đoàn này có 68.243 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 53.054 tỷ đồng và 9.615 tỷ đồng vốn chủ sở hữu thực có (theo đăng ký kinh doanh hiện tại là 14.655 tỷ đồng).
Tập đoàn Vinashin dự kiến năng lực đóng mới đạt công suất 1,5 triệu tấn tàu/năm, sửa chữa đạt 20 - 25% sản lượng đóng mới; sản xuất công nghiệp phụ trợ đạt 20% sản lượng đóng mới theo đúng mục tiêu đã đề ra và đảm bảo sản lượng doanh thu đến năm 2015 đạt 50.000 - 60.000 tỷ đồng/năm.
Ngoài 43 doanh nghiệp được giữ lại theo mô hình mới, Vinashin thực hiện phương án và lộ trình sắp xếp, thu gọn 216 đầu mối doanh nghiệp sau tái cơ cấu từ tháng 11/2010 và dự kiến kết thúc vào năm 2013.
Tàu Hoa Sen tái hoạt động vào tháng 12/2010
Tại cuộc họp báo công bố Đề án tái cơ cấu Vinashin chiều qua 19/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: “Trước đây, với quyền hạn của mình, Bộ GTVT chủ yếu tập trung vào đóng góp về các vấn đề mà HĐQT Vinashin trình Thủ tướng Chính phủ nên việc giải quyết của bộ có hạn chế.
Sau khi xảy ra vụ việc tại Vinashin, Chính phủ đã xem xét, điều chỉnh và tăng cường hơn nữa quản lý của Nhà nước tại tập đoàn. Vì thế, Bộ GTVT sẽ là cơ quan chủ trì thẩm định và trình các vấn đề của Vinashin lên Chính phủ”.
Về số phận 2 con tàu “tai tiếng” Hoa Sen và Bạch Đằng Giang, ông Ngô Tùng Lâm - Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của Vinashin, cho hay: “Thân tàu Bạch Đằng Giang đã được gỡ sắt và bán, thu về 66 tỷ đồng. Riêng các trang thiết bị khác của tàu như máy chiếu, máy đèn thì đang được bảo quản trong kho của Tổng Công ty Nam Triệu và đã có phương án để sử dụng”.
Trong khi đó, ông Dương Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines cho hay: “Chúng tôi đã tiếp nhận 26 tàu từ Vinashin (trong đó có tàu Hoa Sen) và đến nay đã có doanh thu đạt gần 1.500 tỷ đồng. Với khả năng quan hệ của mình, chúng tôi đã tìm được đối tác nước ngoài để trong tháng 12 này có thể đưa tàu Hoa Sen vào hoạt động”.
Liên quan đến nhiều khoản nợ sắp phải trả, ông Nguyễn Ngọc Sự, chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin cho biết: “Khoản nợ gần nhất tới hạn là ngày 20/12 và đã được Vinashin xin giãn nợ 1 năm tới tháng 12/2011.
Tổng số nợ của Vinashin trước đây là 86.000 tỷ đồng, sau khi bàn giao một số đơn vị cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Vinalines thì số nợ còn khoảng 63.000 tỷ đồng - đây là số nợ do Tập đoàn đi vay để đầu tư sản xuất kinh doanh”.
“Dự kiến, sau khi sắp xếp 216 doanh nghiệp thì có thu hồi được khoảng 23.000 tỷ đồng và như vậy số nợ chỉ còn hơn 40.000 tỷ đồng. Với chủ trương của tập đoàn sẽ cố gắng đảm bảo tiến độ đóng tàu và sẽ có lãi để có tiền để trả nợ. Chúng tôi có những Công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn của tập đoàn và năm tới sẽ cổ phần hóa nên đủ khả năng để trả nợ”, ông Sự tự tin trả lời.
Trong 10 tháng đầu năm 2010, tổng giá trị sản lượng sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Vinashin đạt 12.395 tỷ đồng (đạt 38% kế hoạch năm 2010), trong đó giá trị sản lượng đóng mới, sửa chữa tàu đạt 7.519 tỷ đồng (bằng 45,8% kế hoạch năm 2010). Tính đến ngày 30/9/2010, tổng số lao động hiện có của Tập đoàn Vinashin là 42.200 người, trong đó có 6.400 người thiếu việc làm. Trong Tập đoàn có 174 đơn vị còn nợ lương với 102,6 tỷ đồng, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội trong toàn Tập đoàn là 134 tỷ đồng. |
Quỳnh Anh