Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh:

"Vốn đầu tư vào Vinashin không mất hết"

(Dân trí) - Vấn đề Vinashin một lần nữa lại “nóng” trên diễn đàn Quốc hội sáng nay, khi các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về trách nhiệm quản lý vốn tập đoàn này.

"Vốn đầu tư vào Vinashin không mất hết" - 1

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh (ảnh: Việt Hưng).
 
Doanh nghiệp tự chịu về trách nhiệm huy động vốn

Vấn đề nợ, đầu tư ra ngành ngoài tràn lan của Vinashin là vấn đề chính được nhiều ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính trong phiên họp sáng nay. Theo giải trình của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Khi thành lập công ty, Vinashin có số vốn ban đầu 100 tỷ đồng; đến năm 2006, công ty chuyển thành tổng công ty, rồi lên tập đoàn với số vốn 2.174 tỷ đồng. Tập đoàn này sản xuất công nghiệp tàu thủy nên lãi nhỏ, do đó nguồn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế không lớn. Tập đoàn này cổ phần hóa hiện cũng chưa nhiều nên nguồn thu từ cổ phần hóa không đáng kể. Trên cơ sở sắp xếp lại, khi phát hiện Vinashin có vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập tổ tái cơ cấu liên ngành, bước một sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, xác định vốn điều lệ, trên cơ sở đó bổ sung vốn cho Vinashin theo quy định của pháp luật.

Nói về tổng tài sản Vinashin, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay: Tính đến ngày 30/6/2009, tổng tài sản của tập đoàn này là 104.000 tỷ, riêng về con số nợ 86.000 tỷ là được hình thành trong tổng tài sản trên và hiện nay đã hình thành nên các dự án, 110 nhà máy và có 28 nhà máy hoạt động tốt. Trong quá trình vay vốn, huy động vốn, Vinashin có mua một số tài sản, máy móc và việc vi phạm có xuất phát từ việc mua các tàu cũ. “Số vốn đó không mất hết nhưng để xác định mất bao nhiêu cần phải đánh giá một cách toàn diện. Chúng tôi đang yêu cầu cơ quan kiểm toán giá trị thực các tài sản này để phối hợp với cơ quan điều tra, rồi mới xác định được giá trị còn lại là bao nhiêu”.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH về việc không trả lời trực diện vào câu hỏi: Vinashin sai phạm, trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Tài chính ở đâu?, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: “Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 có quy định công ty Nhà nước được huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu… và phải tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn của mình. Bộ Tài chính có vai trò giám sát, nhưng không phải là đơn vị duyệt phương án tổ chức, đầu tư của tập đoàn”.

Đã từng phát hiện sai phạm và yêu cầu xử lý

Với vai trò là cơ quan giám sát, trong quá trình thanh kiểm tra Vinashin, theo khẳng định của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Chúng tôi từng phát hiện vi phạm của tập đoàn về đầu tư dàn trải, sử dụng vốn chưa đúng mục đích và đã yêu cầu tập đoàn phải xử lý. Tuy nhiên, về việc tập đoàn này mua tàu, có bán đi một số tàu chưa được xử lý triệt để, chúng tôi đã có báo cáo với Chính phủ”. Theo đó, từ tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Vinashin thực hiện các kiến nghị của các cơ quan kiểm tra, sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư.

Đến tháng 7/2009, ảnh hưởng một phần của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Vinashin lại gặp khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ giám sát liên ngành yêu cầu Vinashin cắt giảm từ 104 dự án xuống 40 dự án, sau đó cắt tiếp và chỉ đầu tư vào 2 công ty cùng 8 dự án. Đến năm 2010, Vinashin đã có những chuyển động nhưng chưa mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định tái cơ cấu một bước nữa đối với Vinashin, có việc bàn giao một số cơ sở sản xuất cho một số tập đoàn khác như Dầu khí, Tổng công ty Hàng hài.

“Bài học rút ra là cần tăng cường việc triển khai giám sát mạnh mẽ hơn khi phát hiện ra các vi phạm của Vinashin”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.
 

Nguyễn Hiền