1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không thể “lờ” hôn nhân đồng giới

(Dân trí) - Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi làm nóng phiên thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 10/9 vì đề xuất chuyển quy định cấm thành không thừa nhận hôn nhân đồng giới. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý bình luận, đó là hướng quy định… nửa vời.

Với quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính đồng thời khẳng định nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Nhóm ý kiến tán thành với đề xuất của Bộ Tư pháp lập luận, ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với nhóm người này và để có cơ sở giải quyết hậu quả về mặt pháp lý của tình trạng chung sống như vợ chồng giữa một bộ phận người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế, cần phải có quy định pháp luật để điều chỉnh.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành vì cho rằng, đây là một hiện tượng không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam và quy luật sinh học cũng như không đảm bảo chức năng của gia đình về duy trì nòi giống; không nên khuyến khích để mối quan hệ này phát triển.
 
Không thể “lờ” hôn nhân đồng giới
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý (đứng) là người duy nhất đề xuất công nhận hôn nhân đồng giới.

Đại diện cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) trình bày, vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là thực tế ở Việt Nam. Mặc dù pháp luật hiện hành đã lựa chọn giải pháp cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính vẫn diễn ra. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trào lưu thế giới hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này.

Lộ trình được cơ quan soạn thảo đưa ra trong hoàn cảnh hiện tại là Nhà nước và pháp luật không thừa nhận nhưng cũng không can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của xã hội.

Tán thành với quan điểm không thừa nhận hôn nhân đồng giới vì thời điểm này, xã hội vẫn còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Cơ quan thẩm tra yêu cầu cơ quan soạn thảo luật tổng kết việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, tiến hành khảo sát thực trạng người đồng tính tại Việt Nam, kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam, đồng thời có đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với quy định trong dự thảo.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện “gật đầu” với ý kiến không cấm hôn nhân đồng giời nhưng đề nghị để phù hợp với điều kiện Việt Nam, luật cần điều chỉnh cho “khớp” tình hình thực tế, có lộ trình thực hiện từng bước. Trước mắt, nhà nước vẫn chưa thừa nhận hôn nhân trong nhóm công dân này.

Phó Chánh án TAND tối cao Tưởng Duy Lượng cũng nêu quan điểm, nhóm người đồng tính, dù là số ít hay nhiều cũng đều là còn người, nhà nước cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ. Không cấm, theo ông Lượng là phương án hợp lý vì không “phạm quyền”, còn lâu dài, khi xã hội thay đổi nhận thức, nhìn nhận việc 2 người cùng giới chung sống là chuyện bình thường thì nhà nước chấp nhận cho đăng ký kết hôn là hợp lẽ.

Ngược lại hướng phân tích này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng, nếu mạnh dạn đề xuất vấn đề trên quan điểm vì quyền con người thì nên đưa ra lý lẽ lập luận để công nhận ngay hôn nhân đồng giới thay vì “lửng lơ” kiểu không cấm nhưng không công nhận. Ông Lý chỉ rõ, nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền, bất cứ vấn đề gì không cấm nghĩa là nhà nước thừa nhận cho công dân có thể làm. Như vậy, không thể có lựa chọn kiểu… nửa vời được.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thông tin thêm, theo báo cáo khoa học từ tổ chức WHO của Liên hợp quốc, khoảng 3% dân số có thiên hướng đồng tính. Tính ra số tuyệt đối, số người đồng tính ở Việt Nam rất lớn chứ không phải số ít. Ông Cường kêu gọi hướng nhìn nhận xuất phát từ thực tế cuộc sống để giải quyết theo pháp luật, không nên “thả nổi” nhóm công dân này.

Người mang thai hộ phải là ruột thịt
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Công nhận ly thân là công cụ bỏ vệ quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: "Công nhận ly thân là công cụ bỏ vệ quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em".

Một số nội dung khác còn nhiều tranh luận trái chiều là về việc thiết kế chế định ly thân, quan điểm cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo luật.

Dù nhiều ý kiến “can gián”, nghi ngại về quy định công khai, đăng ký tình trạng ly thân, Bộ trưởng Tư pháp vẫn đề nghị Thường vụ Quốc hội cân nhắc vì ly thân là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Theo ông Cường, pháp luật không thể né tránh thực tiễn và nhu cầu này của người dân, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Bộ trưởng Tư pháp diễn giải hướng quy định, khi cần ly thân, người dân có thể có nguyện vọng lựa chọn ly thân thực tế hoặc ly thân pháp lý, nếu thấy việc ly thân pháp lý mang lại lợi ích cho mình thì họ mong muốn có sự công nhận của Nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định về ly thân cho nên nguyện vọng chính đáng đó không thực hiện được.

Điểm quan trọng, việc quy định về ly thân trong luật Hôn nhân và gia đình không đồng nghĩa với việc bắt buộc các cặp vợ chồng muốn ly thân thì phải giải quyết theo quy định của luật này mà chỉ áp dụng khi họ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo nguyện vọng.

Về vấn đề mang thai hộ, cơ quan thẩm tra dành một phiếu thuận cho đề xuất này vì cho rằng việc này đạo thể hiện tính nhân văn trong pháp luật về hôn nhân và gia đình, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng.

Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nhắc, các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này, nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.

Bà Mai đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ khái niệm  “không vì mục đích thương mại”; bổ sung các quy định về số lần được mang thai hộ, số người mang thai hộ trong cùng một thời điểm, vấn đề mang thai hộ có yếu tố nước ngoài, việc bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ; quy định người nhận mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích phải chặt chẽ hơn, cùng hàng thế hệ và không nên mở rộng ra nhiều đối tượng khác; cần nghiên cứu việc quy định người mang thai hộ phải là người đã từng sinh con , hoàn toàn tự nguyện và đánh giá tác động của việc quy định việc mang thai hộ đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

P.Thảo