1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không nên cho phép tố cáo cán bộ nghỉ hưu vì “sẽ khiến tình hình phức tạp”?

(Dân trí) - Thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi sáng 8/11, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (TPHCM) cho rằng, không nên điều chỉnh đơn thư tố cáo với cán bộ nghỉ hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp. “Tôi nghĩ cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ, có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu”- ông nói.

Đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa (TPHCM).
Đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa (TPHCM).

Theo đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa, dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi quy định hình thức tố cáo quá rộng. Ông Nghĩa đề nghị chỉ giải quyết bằng 2 hình thức đơn và trực tiếp nếu không sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan, nhiều đối tượng xấu lợi dụng bôi nhọ cán bộ. Riêng đối với tố cáo nặc danh chỉ nên xem xét nếu có bằng chứng kèm rõ ràng.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - đề nghị mở rộng đối tượng bị tố cáo, trong đó có cả cán bộ, công chức về hưu.

“Thực tế, thời gian qua có tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”- trước khi về hưu có trường hợp ký đất, ký dự án, ký bổ nhiệm cán bộ”- ông Thanh nói.

Thực tế đó đòi hỏi dự luật phải đặt ra vấn đề này để có cơ chế giải quyết các hành vi của cán bộ, công chức xảy ra thời điểm đương chức nhưng bị tố cáo, phát hiện khi đã về hưu.

“Câu chuyện này giải quyết thế nào, bởi thực tế thời gian vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải xử lý một số trường hợp cán bộ đã nghỉ hưu và Ban Bí thư cũng đã chỉ đạo phải nghiên cứu để có cơ chế xử lý vấn đề này. Quan điểm của cá nhân tôi cần phải bổ sung đối tượng cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vào trong Luật Tố cáo để xử lý những vấn đề mà thực tiễn đã đặt ra. Làm như vậy để có tính răn đe, từ đó cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ”- ông Thanh nêu quan điểm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, dự thảo trước đưa việc tố cáo đối với người về hưu, nhưng không đồng nhất với Luật Cán bộ công chức nên bỏ ra. Tuy nhiên đây là “một khoảng” để xem xét vì vừa qua một số cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý.

“Vậy xử lý theo luật nào? Vừa rồi phải đưa ra cách nguyên chức vụ. Cái này Chính phủ bỏ ra vì có nhiều ý kiến, bỏ ra thì không vướng nhưng có giải quyết được mọi vấn đề không? Nếu là tội phạm, giải quyết theo tố giác thì hoàn toàn không ảnh hưởng. Nếu đặt vấn đề tố giác cán bộ đã nghỉ hưu có hành vi vi phạm thì xử lý theo trình tự tố tụng. Nhưng tố cáo hành vi vi phạm trách nhiệm hành chính thì xử lý theo hướng nào?”- ông Vương đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại buổi thảo luận.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại buổi thảo luận.

Một vấn đề khác cũng được Thứ trưởng Bộ Công an quan tâm là hình thức tố cáo bằng đơn trực tiếp, tuy nhiên dự thảo luật đã mở ra xem xét cả đối với trường hợp tố cáo qua thư điện tử, fax, có ngày tháng năm sinh, địa chỉ và nội dung tố cáo rõ ràng.

“Theo tôi cần nghiên cứu, vì tới đây chúng ta thực hiện mô hình Chính phủ điện tử. Cái này có địa chỉ người tố cáo rõ ràng. Tôi băn khoăn những người tố cáo qua thư điện tử gần như công khai, vậy bảo vệ người tố cáo thế nào? Cái này chúng ta cần cân nhắc”- ông Vương nói.

Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thì tán thành dự thảo luật đưa cả hai hình thức tố cáo đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau, là tố cáo bằng thư điện tử và tin nhắn.

Theo ông Chính, người đứng đắn bao giờ cũng có đăng ký đàng hoàng nên việc xác minh tố cáo bằng tin nhắn rất dễ. Tuy vậy thực tế cũng có người ngại, họ giấu; cũng có tin nhắn có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng nhưng dùng sim rác, mà nội dung vẫn hoàn toàn chính xác. Các tội phạm liên quan đến an toàn xã hội người ta ngại lộ danh tính, nên người tiếp nhận thông tin phải biết phân loại, sàng lọc để chỉ đạo, xử lý cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

“Rõ ràng thực tiễn đã có tác dụng, phát triển công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, từ xu hướng này nên ghi vào Luật là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay. Nhưng cũng không loại trừ có trường hợp lợi dụng nên quy định cho chặt chẽ hơn, và người xử lý thông tin phải phân định được cái này”- ông Phạm Minh Chính đề nghị.

Về hình thức tố cáo bằng thư điện tử, ông Chính đề nghị cần phải kết hợp giữa kinh nghiệm, các phương tiện và sự nhạy bén của người cán bộ.

“Đa số người tố cáo muốn phát hiện giúp nhà nước, chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm. Họ ít nghĩ đến lợi ích và chỉ muốn có sự công minh, trong sạch, xã hội công bằng. Họ tố cáo tội phạm với mục tiêu trong trong sáng. Nếu chúng ta có được thì rất tốt. Cái quan trọng nhất là bảo vệ được danh tính người tố cáo, nên cần có cách thể hiện thế nào đó để bảo vệ được danh tính cho họ”- ông Chính lưu ý.

Đừng nghĩ còn 2 năm nữa về hưu là thôi

Tham gia thảo luận về dự luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Luật Cán bộ, công chức chưa sửa đổi nhưng Nghị quyết của Quốc hội đã đề cập đến vấn đề này, bởi đây là chủ trương. “Bây giờ phải hoàn thiện pháp luật để tất cả cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ luôn phải có tinh thần trách nhiệm. Đừng nghĩ tôi còn 2 năm nữa về hưu, thế thì về, xong là thôi. Không phải!”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Thế Kha - Quang Phong