1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM - Đầu tàu kinh tế đang ì ạch chạy bằng... máy hơi nước!

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, các đầu tàu (TP Hà Nội, TPHCM) là động lực để kéo cả vùng đi lên. Tuy nhiên, cơ chế chính sách hiện nay đang bó hẹp khiến đầu tàu đang chạy ì ạch bằng máy hơi nước.

TPHCM không bứt phá lên được

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về cơ chế đặc thù cho TPHCM. Phát biểu tại đây, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, từ hàng nghìn năm nay, vùng đất Sài Gòn đã có nhiều điều kiện phát triển mạnh mẽ, được nhắc đến với niềm tự hào là “hòn ngọc viễn Đông”, khi đó Singapore mới chỉ là một xóm chài.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, TP HCM có nhiều điều kiện phát triển
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, TP HCM có nhiều điều kiện phát triển

Dù xuất phát điểm của TPHCM có điều kiện như vậy nhưng đến giờ, thành phố này vẫn không bứt phá lên được. Do đó đại biểu Quốc cho rằng việc xây dựng Nghị quyết riêng cho TPHCM không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về kinh tế mà cả cơ chế.

Sau 5 năm nữa, nếu làm tốt, có thể sẽ áp dụng cơ chế tương tự cho nhiều thành phố khác, tạo sự bứt phá chung.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong, đến thời điểm này mới tính đến cơ chế riêng cho TPHCM là hơi muộn.

“Một thời chúng ta đầu tư dàn trải, thiếu mũi nhọn trong khi các đầu tàu là động lực để chuyển cả vùng, cả nước lại bị bó hẹp khiến đầu tàu mãi chạy bằng hơi nước, trong khi người ta đi bằng nguyên tử rồi”, đại biểu Phong đánh giá.


Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, tạo cơ chế đặc thù TP HCM thời điểm này là hơi muộn

Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, tạo cơ chế đặc thù TP HCM thời điểm này là hơi muộn

Tại hội trường, đại biểu Đặng Thuần Phong cho cho hay, hiện nay không riêng thành phố trực thuộc Trung ương, 16 tỉnh khác cũng đang đóng góp ngân sách để nuôi 47 tỉnh còn lại.

Do vậy, theo ông Phong các tỉnh hưởng ngân sách Trung ương cũng phải biết tri ân các đầu tàu, trong đó có TPHCM. Điều đó cần được thể hiện qua việc tập trung sâu, tạo động lực mạnh mẽ cho “đầu tàu” phát triển.

Tăng lương để hạn chế tham nhũng vặt

Đi vào những vấn đề cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không nên áp cứng cho TPHCM không được trả lương cho cán bộ vượt quá 1,8 lần lương cơ bản mà nên giao cho thành phố cơ chế trả lương căn cứ vào mức cống hiến, chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cũng cho rằng lương tăng chính là động lực, điều kiện tiên quyết để chống lại tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, trây ì của cán bộ, công chức.

Đại biểu đoàn Hà Nội nhận thấy, TPHCM có mức sống cao, do vậy trần 1,8 lần lương cơ bản không hợp lý. “Không nên để trần lương cơ bản, không nên cào bằng mà giao quyền cho HĐND TP tự quyết định dựa trên cân đối thu chi ngân sách, điều này sẽ tạo động lực cho cán bộ làm việc tốt hơn”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.

Khi TPHCM có cơ chế đặc thù với những ưu điểm vượt trội so với các tỉnh thành khác, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn lo ngại người lao động khắp nơi, thậm chí có thể tạo di cư ồ ạt, tạo áp lực cho giao thông, trường học, bệnh viện, đặc biệt các mặt trái xã hội như nghiện hút, cướp giật, ùn tắc.

Do vậy, đại biểu mong muốn có chiến lược để TPHCM không chỉ phát triển mạnh về kinh tế mà còn trở thành nơi yên bình, đáng sống.

Trái lại đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) lại cho rằng cần thiết phải quy định trần hưởng lương của cán bộ công nhân viên chức TPHCM, nếu không sẽ chênh lệch quá lớn với các địa phương khác.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng không áp trần lương sẽ tạo ra sự bất cập lớn khi có thể dẫn đến chảy máu chất xám của các địa phương khác khi nguồn nhân lực đổ dồn về TPHCM.

Quang Phong