Không ít hội hoạt động hình thức, mâu thuẫn nội bộ gây khiếu kiện kéo dài
(Dân trí) - Bộ Nội vụ đánh giá, một số hội hoạt động mang nặng tính hình thức, cá biệt còn mâu thuẫn trong nội bộ, chủ yếu là mâu thuẫn cá nhân, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, không tự giải quyết được.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng vừa ký Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định 45/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Theo Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12/2022, cả nước có gần 71.700 hội. Về cơ bản, mô hình tổ chức hoạt động của các hội phù hợp với quy mô, tính chất, vai trò, vị trí của từng hội.
Về hoạt động, nhiều hội đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, có đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nhấn mạnh "có không ít hội hoạt động còn hình thức, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích của hội viên, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước"; có xu hướng "hành chính hóa" hoạt động hội.
"Có nhiều thế lực lợi dụng tổ chức hội, lợi dụng diễn đàn, đối thoại để chống phá sự lãnh đạo Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo ra sự không đồng thuận trong xã hội", lãnh đạo Bộ Nội vụ nêu thực tế.
Hoạt động của một số hội chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao. Một số hội hoạt động mang nặng tính hình thức; việc quản lý các pháp nhân trực thuộc, đặc biệt là các tổ chức khoa học - công nghệ, tạp chí thuộc một số hội còn hạn chế nên để xảy ra tình trạng phải xem xét, giải thể một số pháp nhân.
Cá biệt còn tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ, chủ yếu là mâu thuẫn cá nhân, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, không tự giải quyết được, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
"Một số hội trong tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật và điều lệ. Còn tình trạng tổ chức đại hội nhiệm kỳ không đúng quy định, không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không tuân thủ chế độ thông tin báo cáo định kỳ", Bộ Nội vụ chỉ rõ bất cập.