Cử tri đề nghị xem xét lộ trình cắt giảm biên chế, Bộ Nội vụ nói gì?
(Dân trí) - Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn xung quanh đề nghị xem xét lộ trình cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Cử tri tỉnh Lạng Sơn phản ánh, tỉnh miền núi biên giới này có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, địa bàn rộng chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại hạn chế.
Lạng Sơn có 769 đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có 663 đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo (tỷ lệ 86,21%), chủ yếu do nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, số lượng người làm việc được giao hiện tại chưa bảo đảm định mức theo quy định (theo giường bệnh, theo lớp học…). Do đó, việc giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 rất khó khăn.
Từ đó, cử tri Lạng Sơn đề nghị xem xét lộ trình cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để phù hợp với điều kiện từng vùng miền, địa phương.
Trong văn bản gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nội vụ cho rằng Nghị quyết 19 đã chỉ đạo giai đoạn 2022-2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021.
"Do vậy, đề nghị cử tri có ý kiến để UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng nêu trên", Bộ Nội vụ nêu quan điểm.
Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục mầm non, phổ thông công lập, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị Lạng Sơn rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý, thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế. Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.
Bộ Nội vụ nhấn mạnh, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện.
Riêng với lĩnh vực giáo dục, theo Bộ Nội vụ, để bảo đảm mục tiêu tinh giản biên chế nêu trên và nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", cần thay đổi phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh phù hợp với từng bậc học, vùng miền.
Trên cơ sở đó đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Tạo điều kiện cơ cấu lại số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính...
Lạng Sơn cần tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả số giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao, đặc biệt là số biên chế được bổ sung theo quyết định của Bộ Chính trị.
Nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp để chuẩn bị nguồn tuyển dụng giáo viên như: Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực, nguyện vọng phù hợp với nhu cầu để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cho rằng phải nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy, thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc sinh viên giỏi tốt nghiệp các ngành khác có nguyện vọng dự tuyển vào làm giáo viên…