1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Không được công nhận liệt sĩ vì không... mặc áo phao?

(Dân trí) - Tử vong khi làm nhiệm vụ trục vớt gỗ dưới lòng sông để làm tang chứng, nhưng một cán bộ kiểm lâm Quảng Nam đã không được Bộ LĐTB-XH công nhận là liệt sĩ chỉ vì không... mặc áo phao khi trục vớt gỗ.

Đó là trường hợp của anh Trần Văn Quý (SN 1987, quê quán thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), con trai của ông Trần Đức Dũng (SN 1953).

Ngày 12/11, trao đổi với PV Dân trí tại nhà, ông Dũng vẫn chưa hết buồn dù đứa con út của ông đã mất từ năm 2011. Ông trình bày: Vào ngày 15/5/2011, con trai tôi là Trần Văn Quý, công tác tại Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, trong lúc đang làm nhiệm vụ trục vớt gỗ do lâm tặc cất giấu, vận chuyển dưới lòng sông Vu Gia tại khu vực Mò O (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã bị vòng nước xoáy cuốn chết.

Hình ảnh Trần Văn Quý lúc còn sống
Hình ảnh Trần Văn Quý lúc còn sống

Qua sự việc trên gia đình ông đã được các cơ quan, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Quảng Nam nhiệt tình giúp đỡ, Sở NN-PTNN phối hợp với Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Nam lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận Trần Văn Quý là liệt sĩ.

Theo tài liệu của PV Dân trí thu thập, tháng 8/2011, Sở LĐTB-XH Quảng Nam đã có Công văn gởi Cục người có công (Bộ LĐTB-XH) đề nghị cho ý kiến việc xác nhận liệt sĩ đối với Trần Văn Quý. Tháng 9/2011, bằng văn bản số 811/NCC ngày 13/9/2011, Cục người có công cho rằng trường hợp chết của Trần Văn Quý chưa thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ.

Tháng 10/2013, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn đề nghị công nhận liệt sĩ đối với Trần Văn Quý gởi Bộ LĐTB-XH. Tháng 6/2015, Bộ LĐTB-XH đã có Công văn 2110 gởi UBND tỉnh Quảng Nam trả lời về việc xem xét công nhận Trần Văn Quý là liệt sĩ.

Ông Trần Đức Dũng bên bàn thờ của con mình
Ông Trần Đức Dũng bên bàn thờ của con mình

Theo Công văn của Bộ LĐTB-XH do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp ký: Căn cứ Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy đinh về điều kiện xác nhận liệt sĩ để cho rằng: “Ông Quý trong khi xuống sông tham gia trục vớt gỗ trái phép đang cất giấu dưới lòng sông, không mặc áo phao, bơi được khoảng 4-5m bị sụp vào hố nước sâu có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi chết. Đây là công tác giải quyết sự vụ của nhân viên kiểm lâm khi được giao, tai nạn xảy ra dẫn đến chết người là yếu tố bất ngờ không thể biết trước. Trong xác nhận liệt sỹ dũng cảm là hành động xả thân của cá nhân, mặc dù biết trước là nguy hiểm đến tính mạng của bản thân nhưng vẫn hành động để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Do đó không thể coi trường hợp nêu trên là hành động dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc xả thân để cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, ông Trần Văn Quý không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định hiện hành”.

Ông Trần Đức Dũng chia sẻ về việc con ông không được công nhận là liệt sĩ

Ông Dũng cho rằng, qua nghiên cứu nội dung Công văn trên của Bộ LĐTB-XH, ông nhận thấy nội dung Công văn nêu trên là chưa phù hợp với điểm e khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định điều kiệt xác nhận liệt sĩ và chưa phù hợp với thực tế của vụ việc. Theo ông, Điểm e khoản 1 Điều 17 quy định: “Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và của nhân dân”.

“Đối chiếu với trường hợp con tôi đang làm nhiệm vụ đã xuống sông Vu Gia tại khu vực Mò O trước dòng nước xoáy của dòng sông lớn để trục vớt gỗ do lâm tặc phá rừng cất giấu, bị dòng nước xoáy cuốn chết, con tôi là thanh niên khỏe mạnh không hề có bệnh tật, thì phải được xem là hành động dũng cảm cứu tài sản của Nhà nước. Bởi vì, số gỗ bị lâm tặc phá rừng cất giấu, vận chuyển dưới lòng sông Vu Gia là tài sản của Nhà nước và việc xuống lòng sông Vu Gia giữa dòng nước xoáy để trục vớt gỗ của con tôi là nguy hiểm đến tính mạng là biết trước được, vì dòng nước xoáy của con sông lớn và phải lặn xuống đáy lòng sông mới trục vớt được gỗ. Nếu không có người trục vớt kịp thời số gỗ trên thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước”, ông Dũng trình bày.

Mặc khác, trong Công văn số 3862/UBND-VX ngày 04/9/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định: “Việc ông Trần Văn Quý không quản ngại nguy hiểm, hy sinh tính mạng trong lúc trục vớt gỗ đang chìm sâu dưới lòng sông phục vụ cho công tác điều tra, xử lý đối tượng khai thác rừng trái phép là một hành động dũng cảm, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quốc gia”.

Ông Dũng nói: “Nhận định của Bộ LĐTB-XH là chưa phù hợp với thực tế của vụ việc và chưa phù hợp với quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Nghị định 31. Bởi vì, gỗ ở dưới lòng sông lớn và có dòng nước xoáy lại nơi lâm tặc cất giấu gỗ. Đang đi công tác phát hiện đột xuất nên không có áo phao để mặc”.

Ông Dũng cho biết thêm: UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn xin ý kiến Bộ LĐTB-XH cho ý kiến xác nhận liệt sĩ cho Trần Văn Quý là có cơ sở và đúng pháp luật. Tuy nhiên, rất tiếc có thể do cán bộ tham mưu của Bộ LĐTB-XH tham mưu cho lãnh đạo Bộ chưa thấu đáo dẫn đến việc Bộ chưa đồng ý.

“Tôi tha thiết kính đề nghị các quý cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét chỉ đạo hoặc có ý kiến đến Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH xem xét lại vụ việc nêu trên cho gia đình chúng tôi theo quy định hiện hành của Nhà nước và trả lời phúc đáp cho gia đình chúng tôi được rõ”, ông Dũng trình bày.

Ông Trần Văn Chiến trao đổi với PV Dân trí về vụ việc

Ngày 12/11, trao đổi với PV Dân trí về vụ việc, ông Trần Văn Chiến – Trưởng phòng Người có công (Sở LĐTB-XH Quảng Nam) cho biết: Sở và tỉnh Quảng Nam đã đề nghị 2 lần lên Cục Người có công và Bộ LĐTB-XH rồi. Không được thì bây giờ phải chấp hành thôi. Ngành lao động cũng đã làm hết trách nhiệm.

“Giờ chỉ có cách Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB-XH xem xét lại trường hợp này cho thấu tình đạt lý”, ông Chiến đề nghị.

Công Bính

 

Không được công nhận liệt sĩ vì không... mặc áo phao? - 3