1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không bổ sung quy định đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự

(Dân trí) - “Quy định nghĩa vụ dân sự thay thế như đóng tiền hoặc lao động công ích là không có cơ sở, làm mất ý nghĩa thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự. Do đó, đề nghị không bổ sung vào dự thảo luật”, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nói.

Chiều 21/5, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội đã đọc báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi. Ông Khoa cho biết, có một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức được công nhận như thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ như lao động công ích hoặc đóng một khoản tiền vào quỹ quốc phòng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự

Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 nên việc quy định nghĩa vụ dân sự thay thế như nghĩa vụ đóng tiền hoặc nghĩa vụ lao động công ích là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đồng thời làm mất ý nghĩa thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào dự thảo Luật.

Ông Khoa cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với dự thảo Luật Chính phủ trình quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.

“Nếu quy định thời hạn phục vụ tại ngũ như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành hoặc quy định thấp hơn cho một số đối tượng thì không bảo đảm thời gian huấn luyện, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, đồng thời không bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa nếu kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ lên 36 tháng đối với đơn vị chuyên môn kỹ thuật hoặc làm nhiệm vụ đặc biệt như ý kiến đề nghị sẽ không bảo đảm công bằng đối với công dân nhập ngũ. Hơn nữa, các đơn vị chuyên môn kỹ thuật, hoặc có nhiệm vụ đặc biệt thì lực lượng chủ yếu là sử dụng quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đảm nhiệm.

Về ý kiến đề nghị quy định nghĩa vụ quân sự phổ thông, theo đó mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự thời hạn từ 6 đến 12 tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định như vậy là không phù hợp với khả năng bảo đảm của nhà nước, thực tế số người gọi nhập ngũ hàng năm hiện nay chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (khoảng 6%). Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này trong Luật.

Về độ tuổi gọi nhập ngũ, ông Khoa cho biết, hiện có ba loại ý kiến như nhất trí như dự thảo Luật Chính phủ trình và đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27; Giữ quy định độ tuổi gọi nhập ngũ như Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành; Đề nghị thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 27.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân học đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là giải pháp tạo điều kiện cho sinh viên đại học vừa thực hiện quyền, nghĩa vụ học tập, vừa thực hiện quyền, nghĩa vụ quân sự nhằm nâng cao chất lượng thanh niên gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, đối với người đồng tính là công dân Việt Nam nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bình đẳng như công dân khác theo Điều 45 Hiến pháp quy định “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Hơn nữa, pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định riêng đối tượng này trong Luật.

Quang Phong