Đắk Nông:
Khốn khổ vì bãi rác rộng cả nghìn mét vuông nằm trên đỉnh đồi
(Dân trí) - Mặc dù địa phương đã đạt tiêu chí môi trường của xã nông thôn mới hai năm nay nhưng hàng nghìn người dân nơi đây ngày ngày vẫn phải sống chung với rác và khí thải từ việc xử lý rác.
Đeo khẩu trang khi ngủ, căng mùng ăn cơm
Năm 2015, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông quy hoạch bãi rác tập trung tại thôn Quảng An, trở thành điểm tập kết rác của 3 xã trong huyện. Tuy nhiên, do nằm ngay trên đỉnh đồi, lại gần khu dân cư nên hơn 1 năm nay, người dân thôn này phải sống chung với rác và những trận khói bốc lên từ việc đốt rác.
Dẫn chúng tôi ra rẫy cao su, nơi có hàng nghìn bao nilon phủ kín mặt đất, ông Trần Việt Hải (thôn Quảng An) cho biết, vì mỗi ngày có hàng chục tấn rác đem về đây tập kết nên HTX Tân Quý xử lý không kịp. Mặc dù nhà ông cách bãi rác khoảng 300 m, nhưng khi có gió thì rác bay khắp nơi, tràn cả vào vườn và sân nhà.
“Thời gian đầu khi bãi rác mới đi vào hoạt động, ngày nào gia đình chúng tôi cũng cử người đi nhặt rác. Tuy nhiên, nhặt sạch đầu này thì rác lại phủ kín đầu kia nên chỉ làm được một thời gian chúng tôi đành bỏ cuộc vì làm không xuể”, ông Hải bức xúc nói thêm.
Là hộ sống xa bãi rác nhất, nhưng hơn 1 năm qua, gia đình anh Bùi Công Chức cũng chịu ảnh hưởng từ việc đốt rác. Anh Chức cho biết: “Lò đốt rác của HTX Tân Quý hoạt động cả ngày, nhưng rác cứ tồn đọng, chất đầy một khu vực rộng chừng 2000 m2. Khi mới lập bãi rác này, chính quyền xã khẳng định sẽ xử lý rác bằng lò đốt, khí thải sẽ thoát bằng đường ống cao hơn 5 m. Tuy nhiên, đến lúc nhiều rác quá, HTX này cho người đốt sống hoặc đào hố chôn chứ không dùng lò, vì vậy khí thải bay khắp nơi. Việc đốt rác sống tạo nên một lớp khói dày đặc, bay lơ lửng, nhiều người không thở được phải bỏ đi nơi khác”.
Người đàn ông này khẳng định: “Rác bay vào nhà thì có thể nhặt, nhưng khí thải độc hại thì không chấp nhận được. Người dân ở đây, nhất là trẻ nhỏ luôn gặp vấn đề về sức khỏe liên quan đến đường hô hấp và bệnh ngoài da. Vì vậy mỗi khi đi ngủ là chúng tôi đeo thêm khẩu trang để tránh hít phải khí độc”.
Do số lượng rác lớn, HTX phải đốt sống chứ không dùng lò nên thải ra môi trường nhiều khí độc
Cùng chung tình cảnh với người dân thôn Quảng An, hàng trăm hộ dân thôn 1 (xã Cư K’nia, huyện Cư Jút) cũng phải sống chung với rác và ô nhiễm môi trường nhiều năm nay. Từ sáng sớm, bãi rác tập trung của cả huyện Cư Jút đã bốc mùi hôi thối, càng về trưa không khí càng ngột ngạt, mùi xú uế đặc quánh.
Anh Phạm Văn Đông (ngụ thôn 1, xã Cư K’nia) thông tin: “Họ đốt rác suốt ngày như thể hun chuột. Khói bụi cùng mùi hôi thối bao phủ cả một vùng rộng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sống xung quanh và gây nguy hiểm cho người đi đường, còn đến mùa mưa, nước từng dòng đen ngòm, hôi thối chảy ra xung quanh, ngấm cả vào nguồn nước sinh hoạt của người dân”.
Theo một người dân sinh sống cách bãi rác khoảng 400 m, vào những ngày nắng nóng, bãi rác là nơi lý tưởng để ruồi bọ sinh sôi, hoạt động. Tầm trưa, cả một vùng rộng lớn chỉ nghe tiếng ruồi nhặng vo ve, bay bám khắp nơi.
“Khổ nhất là đến bữa ăn, lúc nào cũng phải đóng kín cửa không thì ruồi nhặng từ bãi rác về bu kín bữa ăn. Có nhiều hộ gia đình ngồi ăn cơm trong màn mà bên ngoài phải đặt bẫy ruồi, chỉ một lúc sau là kín đen”, người đàn ông cho hay.
Chính quyền chờ kinh phí?
Theo phản ánh của các hộ dân thôn Quảng An, việc quy hoạch một bãi rác nằm ngay trên đỉnh đồi, chỉ cách nhà dân vài trăm mét là việc làm mà người dân ở đây không hề hay biết, đến khi bãi rác đi vào hoạt động, nhiều người mới vỡ lẽ. “Ngày trước, ở đây cũng có một lò than, khói lúc nào cũng nghi ngút nên chúng tôi đã yêu cầu lò than này rời xa khu dân cư. Lò than vừa rời đi thì bãi rác lại mọc lên khiến người dân không một ngày được yên”, bà Võ Thị Thúy Liễu thở dài thất vọng.
Những hộ dân sống gần bãi rác xã Cư K’nia phải sống chung với ruồi nhặng và khí thải do bãi rác gây ra
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Đạo Nghĩa cho biết, việc lập ra bãi rác này đã được sự đồng ý thống nhất của người dân tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động và chỉ có một lò đốt nên bãi rác còn gặp một số hạn chế (?). Ông Quyết cũng khẳng định, sắp tới địa phương sẽ tổ chức đối thoại giữa người dân và HTX để đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất đồng thời lập tờ trình để xin kinh phí của huyện xây bờ bao bãi rác trên.
Trước tình trạng ô nhiễm do bãi rác gây ra, các hộ dân xã Cư K’nia cũng nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Ông Lê Lương Kế, Phó Chủ tịch UBND xã Chư K’nia thông tin: “Sau khi nhận được ý kiến của bà con về tình trạng trên địa phương cũng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay việc xử lý tại bãi rác vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của rất nhiều hộ dân trong xã”.
Một phần bãi rác rộng 2ha tại xã Cư K’nia
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Quyết Thắng (đơn vị quản lý bãi rác trên) thì từ năm 2013, huyện Cư Jút đã có chủ trương đưa vào hoạt động 2 lò đốt rác (công suất xử lý khoảng 4 tấn/ngày) tại bãi rác nhưng đến nay mới chỉ đầu tư được 1 lò. Với khối lượng thu gom rác khoảng 16 tấn/ngày như hiện tại và dự kiến tăng lên 20 tấn/ngày trong năm 2017, lò đốt rác chỉ đáp ứng 1 phần rất nhỏ nhu cầu xử lý. Khối lượng còn lại buộc phải xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp ngoài bãi và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Được biết, tháng 9/2016, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản đề nghị Bộ TN&MT và xem xét, hỗ trợ kinh phí để cải tạo, nâng cấp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi thu gom rác huyện Cư Jút hợp vệ sinh. Trong thời gian chờ kinh phí, Sở TN&MT đã đề nghị UBND huyện Cư Jút chỉ đạo Phòng TN&MT huyện, Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Quyết Thắng tăng tần suất phun xịt các chế phẩm giảm thiểu mùi hôi, diệt côn trùng kết hợp với đốt rác để giảm tải lượng rác đầu vào gây quá tải bãi rác.
Dương Phong