Khởi công khu lưu niệm 255 tỷ đồng tại Thanh Hóa
(Dân trí) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2024, Thanh Hóa cần phấn đấu hoàn thành Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Ngày 28/8, tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tích mà Thanh Hóa nói chung và thành phố Sầm Sơn nói riêng đã đạt được trong thời gian vừa qua. Trong lịch sử, Thanh Hóa là hậu phương đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhiều nhất cả nước, góp công lớn trong việc nuôi dưỡng, đào tạo nhiều cán bộ, chiến sĩ quay trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và xây dựng quê hương.
Trong thời gian ấy, đồng bào miền Bắc nói chung và đồng bào Thanh Hóa nói riêng đã nhường cơm sẻ áo, dành tất cả những điều kiện tốt nhất để đón tiếp, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình chính sách miền Nam như những người thân yêu, ruột thịt của chính mình.
"Với tình cảm chân thành đó, chúng tôi luôn mong muốn có một biểu tượng tại Thanh Hóa, để thể hiện sự tri ân những công lao to lớn, sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc của nhân dân. Tôi đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng Dự án Khu tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhằm lưu lại cho các thế hệ mai sau về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết Nam - Bắc thủy chung son sắc", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc xây dựng Khu lưu niệm phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá trị văn hóa của công trình, đảm bảo tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vào năm 2024.
Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với ban liên lạc học sinh miền Nam trong toàn quốc và các gia đình cựu cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tích cực hưởng ứng. Tổ chức thu thập sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, kỷ vật thể hiện tình cảm Bắc - Nam ruột thịt của nhân dân hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tái hiện hình ảnh hào hùng của lịch sử dân tộc lúc bấy giờ, nhất là chuyến tàu đưa hơn 15 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Cũng theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Khu lưu niệm sau khi hoàn thành sẽ thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, ban liên lạc học sinh miền Nam tùy vào điều kiện cụ thể và theo nguyện vọng của địa phương, cần có những hình thức tri ân thiết thực như xây dựng trường lớp, nhà tình thương, học bổng… để đền đáp lại một phần những nghĩa tình sâu nặng của nhân dân miền Bắc.
Về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước cho biết - tỉnh Thanh Hóa cần tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả vì lợi ích của người dân. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và phấn đấu không để chênh lệch lớn giữa các vùng phía Đông và phía Tây xứ Thanh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sầm Sơn Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã trao quyết định công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thông tin khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết - năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, thể theo nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho thành phố Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng công trình.
Sau một thời gian chuẩn bị, dự án đã HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết nghị thông qua năm 2020. UBND thành phố Sầm Sơn được giao làm chủ đầu tư. Dự án có với tổng mức đầu tư khoảng 255 tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách tỉnh bảo đảm cho công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; phần kinh phí xây dựng toàn bộ tượng đài do Hội cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện và hoàn thành công trình là 270 ngày.
Từ ngày 15/10/1954 đến ngày 1/5/955, Thanh Hóa đã đón 7 đợt với tổng số 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết. Trong đó, đã nhận 406 gia đình cán bộ, chiến sĩ để nuôi dưỡng và làm việc tại các nông trường của tỉnh.
Thanh Hóa đã lập 12 trạm đón tiếp, xây dựng hơn 1.000 gian nhà làm nơi ở, làm trạm xá, bệnh viện; nhân dân đóng góp hàng ngàn con trâu, bò, lợn; hàng vạn con gà, vịt, hàng chục vạn bộ quần áo, chăn, màn để đón tiếp, chăm sóc cho cán bộ, đồng bào và học sinh miền Nam.