Đồng Tháp:
Khánh thành tượng đài Tập kết 1954 dịp kỷ niệm 65 năm ngày tiễn đoàn quân cuối cùng ra Bắc
(Dân trí) - Cách đây 65 năm, ngày 29/10/1954, tại mảnh đất Cao Lãnh oai hùng, giàu truyền thống cách mạng đã chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, một cuộc chia tay để đoàn tụ - cuộc đưa tiễn đoàn quân, cán bộ, chiến sĩ cuối cùng lên tàu tập kết ra miền Bắc.
Sáng 29/10, tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức Lễ khánh thành “Tượng đài tập kết năm 1954 và bàn giao hồ sơ, kỷ vật cán bộ tập kết ra Bắc” tại TP Cao Lãnh. Đến dự buổi lễ có ông Trương Vĩnh Trọng – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, các tỉnh thành khu vực ĐBSCL cùng 500 cô chú là cán bộ, người thân cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954 cùng đến dự.
Cách đây 65 năm, ngày 29/10/1954, tại mảnh đất Cao Lãnh oai hùng, giàu truyền thống cách mạng đã chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, một cuộc chia tay để đoàn tụ - cuộc đưa tiễn đoàn quân, cán bộ, chiến sĩ cuối cùng lên tàu tập kết ra miền Bắc.
Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, cùng với hai tỉnh khác ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ là Bình Thuận và Cà Mau, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tại thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra Bắc. Trong đó, toàn tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Chuyến tàu cuối cùng rời bến bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra miền Bắc vào ngày 29/10/1954.
Nguyên Đại tá Nguyễn Thanh Liêm – cán bộ sư đoàn 868, Quân khu 9 bồi hồi kể lại: “Vì hiệp định đình chiến và sự tiếp sức cho miền Bắc xây dựng đất nước cũng như chuẩn bị lực lượng giải phóng miền Nam sau này, năm 1954 hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, sinh viên tập kết ra Bắc. Tuy nhiên, sau 2 năm chưa được trở lại miền Nam, nhiều chiến sĩ trong đơn vị tôi nóng lòng viết đơn xin về miền Nam chiến đấu. Vì điều này, năm 1958, Bác Hồ đến thăm và làm công tác tư tưởng với anh em trong đơn vị cao xạ bắn máy bay (không nhớ rõ đơn vị). Bác căn dặn: “Các chú lo học tốt, vì học là để về phục vụ miền Nam. Khi có lệnh, các chú sẽ về”. Từ lời Bác căn dặn, anh em không còn lo lắng, tập trung học ngày học đêm để chờ ngày về miền Nam, giải phóng thống nhất đất nước”.
Ông Trần Trung Trực bồi hồi khi gặp lại những người bạn cùng ra Bắc 1954
Ông Trần Trung Trực (xã Tân Phước, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954 và được cử đi du học ở Đức. Đến năm 1966, khi đó 24 tuổi, ông Trực viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế xin về miền Nam chiến đấu khi nghe tin đồng bào miền Nam đang chiến đấu với đế quốc Mỹ.
Ông Trực kể: “Kháng chiến từ sau năm 1972 ác liệt lắm, vì thế có lúc cha tôi sợ tôi chịu không nổi cảnh bom đạn rồi đầu hàng. Nhưng lúc đó tôi nói với ba tôi: “Ba an tâm, thà con chết chứ không đầu hàng”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu phát biểu trong lễ khánh thành tượng đài Tập kết ra Bắc 1954
Theo ông nhiều cán bộ tập kết ra Bắc cho rằng, cuộc tập kết, chuyển quân ra miền Bắc là một chủ trương, chính sách lớn về quản lý, đãi ngộ và bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, 65 năm trôi qua, sự kiện tập kết, chuyển quân năm 1954 tại Cao Lãnh - Đồng Tháp vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc “Đi vinh quang, ở anh dũng”, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời. Tập kết ra Bắc thực sự là một mốc son trong lịch sử dân tộc, cũng là dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Đồng Tháp.
Những cán bộ tập kết ra Bắc 1954 ôn lại những kỉ niệm khi ra miền Bắc học tập và nghi hay tin về lại miền Nam chiến đấu.
Để ghi nhớ sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử này, tỉnh Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố có cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam tập kết tại Cao Lãnh năm 1954 gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh tiến hành xây dựng công trình Tượng đài tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh.
Công trình tượng tài Tập kết 1954 được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm 2017 trên khuôn viên 12.000m2, ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954 (phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), có tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Tượng đài người mẹ tiễn con và phù điêu, sân lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước tưới cây, cấp điện chiếu sáng và chống sét.
Tượng đài tập kết 1954 với hình ảnh người mẹ tiễn con...
Những tiết mục văn nghệ tái hiện lịch sử hào hùng...
... khiến nhiều cán bộ tập kết ra Bắc xúc động
Cán bộ tập kết năm xưa vui mừng khi nhận lại hồ sơ, kỷ vật của mình trong những năm tháng xa miền Nam.
Những nhân chứng dù tuổi cao sức yếu vẫn cố gắng đến dự buổi lễ.
Nguyễn Hành