Khó khăn xử lý tài sản công sau sáp nhập, giải thể cơ quan sắp được "gỡ"
(Dân trí) - Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định về việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể cơ quan, đơn vị.
Theo hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 151/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Bộ Tài chính gửi tới Bộ Tư pháp, nhà nước đã có nhiều đề án thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách hoặc giải thể một số cơ quan.
Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công không còn tồn tại nên việc áp dụng quy trình xử lý tài sản công như hiện hành không phù hợp (quy trình hiện hành được xuất phát từ cơ quan có tài sản đề xuất, lập hồ sơ).
Từ đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định về việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể.
Cụ thể, cơ quan nhà nước thuộc đối tượng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể có trách nhiệm thực hiện kiểm kê, phân loại đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan; chịu trách nhiệm xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản không phải của cơ quan (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, thuê của tổ chức, cá nhân khác,…), cơ quan Nhà nước thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Cơ quan Nhà nước thuộc đối tượng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể có trách nhiệm lập phương án xử lý, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, đề xuất phương án xử lý tài sản, gửi xin ý kiến cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cùng cấp. Căn cứ ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công, đơn vị hoàn thiện phương án xử lý tài sản để lập Đề án sáp nhập/ hợp nhất/ chia tách/giải thể (trong đó có phương án xử lý tài sản), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Phương án xử lý tài sản phải phù hợp với hình thức xử lý tài sản quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định của Chính phủ.
Căn cứ Đề án sáp nhập/hợp nhất/chia tách/giải thể được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan nhà nước (pháp nhân cũ) có trách nhiệm báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý tài sản công xem xét, quyết định việc xử lý tài sản, trên cơ sở đó tổ chức xử lý tài sản. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện xử lý tài sản thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 151/2017 của Chính phủ.
Trường hợp cơ quan nhà nước (pháp nhân cũ) đã chấm dứt hoạt động nhưng chưa hoàn thiện việc xử lý tài sản thì bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định giao cho pháp nhân mới sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất thực hiện các công việc còn lại hoặc giao cho cơ quan quản lý cấp trên thực hiện các công việc còn lại của việc xử lý tài sản theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm theo dõi tài sản, không hạch toán vào tài sản được giao quản lý, sử dụng của cơ quan.
Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với các trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể mà khi cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đã có hoặc chưa có đề án/phương án xử lý tài sản.
Ngần ngại trong việc thanh lý, bán đấu giá trụ sở dôi dư
Như Dân trí đã phản ánh, Bộ Nội vụ cho biết sau khi sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị (giảm 8 đơn vị)
Đối với cấp xã, sau khi thực hiện sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng xã trong cả nước từ 11.160 giảm xuống còn 10.599 xã (giảm 561 đơn vị). Trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 đơn vị cấp xã; Cao Bằng giảm 38/199; Phú Thọ giảm 52/277; Hà Tĩnh giảm 46/262; Thanh Hóa giảm 76/635; Lạng Sơn giảm 26/226; Quảng Trị giảm 16/141; Hải Dương giảm 29/264 xã.
Sau khi sắp xếp, sáp nhập huyện, xã đã xảy ra chuyện nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng; quá trình tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn gặp nhiều khó khăn.
Có địa phương như tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản công là nhà đất dôi dư do các tài sản này không xử lý được theo hình thức chia lô, bán nền riêng lẻ mà phải đấu giá cả mặt bằng.
Bộ Nội vụ phản ánh, một số địa phương còn ngần ngại trong việc thanh lý, bán đấu giá trụ sở. Việc xác định giá đất cụ thể trước khi xác định giá khởi điểm bán đấu giá rất khó khăn, phức tạp do công năng, giá trị sử dụng, vị trí của các trụ sở, tài sản bán đấu giá không phù hợp với mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ, làm nhà ở của các đối tượng có nhu cầu.