1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khi “tóc dài” lên sàn võ

(Dân trí) - Một chương trình dành riêng cho phái nữ hướng dẫn cách tự vệ khi bị xô đẩy, túm tóc...; phản ứng khi bị kẻ xấu giật túi xách, dây chuyền… đang thu hút nhiều chị em đến với lớp võ tự vệ tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM.

Học võ để phòng thân, học võ để linh hoạt, học võ để khỏe hơn… là những lý do chính để 50 học viên đến với lớp võ tự vệ tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM (192-194 Lý Chính Thắng, quận 3). Đứng lớp giảng dạy là võ sư Bạch Văn Anh, từng giành huy chương vàng Taekwondo khu vực Đông Nam Á, và hiện đã đạt đến huyền đai đệ lục đẳng quốc tế.
 
Khi “tóc dài” lên sàn võ
Yến Linh, 30 tuổi, là nhân viên kinh doanh, theo lớp đã 1 năm nên động tác rất nhanh nhẹn. Từ khi học võ, Yến Linh ít đau ốm hẳn.
 
Chị em đến lớp võ ở nhiều độ tuổi và ngành nghề: từ học sinh - sinh viên, nhân viên bán hàng, bà nội trợ… Có bạn gái muốn lận lưng vài miếng võ để tự tin khi ra nước ngoài du học. Cũng có chị “lén” đến sân tập võ vì… hết chịu nổi ông chồng hung dữ.
 
Còn cô Phương (57 tuổi), học viên lớn tuổi nhất chia sẻ: “Giờ nghỉ hưu rồi, những lúc ở nhà một mình, tôi sợ lắm nên đi học võ. Thay vì học thể dục nhịp điệu hay yoga, tôi thấy học võ có lợi hơn vì vừa khỏe vừa tự bảo vệ mình”.
 
Dù đã U60 nhưng cô Phương rất hăng hái tập võ
Dù đã U60 nhưng cô Phương rất hăng hái tập võ
 
Là người đề xuất mở lớp võ tự vệ, võ sư Bạch Văn Anh xây dựng giáo trình dựa trên thực tế gồm: luyện tay, chân (đỡ, đấm, chặt và các thế đá…); tự vệ khi bị đối phương ôm, xô đẩy, túm tóc...; tay không chống hung khí (dao, gậy, nón bảo hiểm); phản ứng khi bị kẻ xấu giật túi xách, dây chuyền… Sau một khóa (12 buổi), học viên đã biết cách tự vệ nhưng để thuần thục thì phải theo suốt 3-4 khóa.
 
Võ sư Bạch Văn Anh hướng dẫn cách ứng phó khi bị giật túi xách
Võ sư Bạch Văn Anh hướng dẫn cách ứng phó khi bị giật túi xách
 
Không chỉ truyền dạy các kỹ thuật võ tự vệ, thầy Bạch Văn Anh còn chia sẻ cách khắc phục hiệu quả các chấn thương nhẹ (bong gân, đau cơ), cách day ấn xua tan mệt mỏi. Và những câu nói dí dỏm của thầy: “Các bạn phải luyện tập cả hai tay. Lỡ như kẻ xấu xông tới, chẳng lẽ nói: anh qua bên này em thuận tay đấm anh hơn?”; “Quên động tác nữa rồi… Kiểu này gặp kẻ xấu thì bảo nó chờ một phút để ôn bài phải không?”khiến cho lớp học thường xuyên vang tiếng cười.
 
Ban đầu, đến với lớp võ, chị em thường lo ngại “mất duyên con gái” và sợ chấn thương. Tuy nhiên, qua thời gian luyện tập, họ mới nhận ra rằng chẳng những duyên không mất mà sức khỏe càng được tăng cường. Còn chấn thương là chuyện hiếm vì dưới chân đã có lớp thảm dày, và bài học được nâng dần từ dễ rồi mới khó.
 
Kỹ thuật ngã an toàn cũng rất hữu ích khi bị tai nạn giao thông
Kỹ thuật ngã an toàn cũng rất hữu ích khi bị tai nạn giao thông
 
Tại Cung văn hóa Lao động TPHCM cũng có lớp dạy võ Aikido miễn phí dành cho công nhân viên chức vào buổi tối cũng thu hút nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, cả Nhà văn hóa Phụ nữ và Cung văn hóa Lao động đều ở các quận trung tâm (quận 3, quận 1) nên chị em ở xa rất khó tham gia.
 
Từ nhà đến lớp võ gần 20km nhưng chị Cẩm Tú (ở quận 12) vẫn đến lớp võ vì: “Ở trung tâm thể dục của các quận cũng có dạy võ nhưng chủ yếu là cho thanh thiếu niên. Mình đến đó thấy lạc lõng lắm, cho nên ráng chạy tới đây cho có chị em đồng trang lứa”. Tuy nhiên, một phần vì nhà xa quá, một phần do giờ học rơi vào giờ hành chính nên chị Tú không đi học đều được. Vì vậy, chị Tú rất mong muốn lớp võ tự vệ dành cho phụ nữ sẽ được nhân rộng đến các quận xa trung tâm.
 
 
Clip một số động tác võ tự vệ.
 
Bài và ảnh: Hồng Nhung
Video: Trung Kiên