Khi nào Việt Nam thu phí xả rác thải như Nhật Bản, Hàn Quốc?

Thế Kha

(Dân trí) - Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Một trong những nội dung mới, đáng chú ý nhất của luật này là quy định thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ - tức là xả rác càng nhiều thì phải trả càng nhiều tiền.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong các nguyên nhân là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý.

Để khắc phục tình trạng này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.

Khi nào Việt Nam thu phí xả rác thải như Nhật Bản, Hàn Quốc? - 1

Hàng chục xe rác nối đuôi nhau chưa kịp vận chuyển, di dời ở Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao.

Thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được chia làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện rất thành công việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác.

Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, luật đã đưa ra một số quy định. Trong đó, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

"Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát)" - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân.

UBND cấp xã được giao trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - khẳng định, nếu như trước đây thực hiện việc thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên bình quân hộ hoặc theo đầu người thì tới đây việc thu phí sẽ theo nguyên tắc thu theo khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ.

"Tôi cho rằng đây là một trong những chế định sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường thu gom, xử lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam hiện nay. Từ đó, hạn chế được việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất" - ông Thịnh cho hay.