1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Khi nào miền Bắc kết thúc mưa rét dầm dề?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của rãnh thấp trong đới gió Tây trên cao nên các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã xuất hiện mưa rét dầm dề kéo dài từ ngày 20/1 đến ngày 21/1.

Chiều 21/1, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, do ảnh hưởng của rãnh thấp trong đới gió Tây trên cao, nên từ hôm qua (20/1) tới hôm nay, các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã xuất hiện thời tiết mưa rét dầm dề. Dự báo, tình trạng mưa rét ở khu vực này còn kéo dài đến hết ngày mai (22/1), sau đó thời tiết sẽ chuyển sang trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn vào ban đêm và sáng sớm, đến trưa, chiều khả năng sẽ hửng nắng.

"Sau ngày 23 tháng Chạp ở Bắc Bộ trời tạnh ráo, còn ở phía Đông Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội và vùng ven biển sẽ có mưa nhỏ, mưa phùn vào thời điểm đêm và sáng sớm, dạng như mưa Xuân, đến khoảng trưa và chiều trời hửng nắng. Dự báo, đến ngày 28-29 tháng Chạp ở miền Bắc khả năng sẽ xuất hiện một đợt gió mùa Đông Bắc nên lại xuất hiện mưa rét dầm dề như hiện tại", ông Hưởng nói.

Khi nào miền Bắc kết thúc mưa rét dầm dề? - 1

Mưa Bắc mưa rét dầm dề kéo dài hết ngày 22/1. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Còn liên quan đến thời tiết dịp Tết Nhâm Dần 2022 sắp tới, trước đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào khoảng ngày 26 tháng Chạp (28/1), các tỉnh miền Bắc nước ta sẽ đón một đợt gió mùa Đông Bắc. Ngay sau đó, dự kiến ngày 29 tháng Chạp (31/1) thêm một đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường tràn xuống nước ta.

Do tác động của không khí lạnh liên tiếp, dự báo thời tiết các tỉnh miền Bắc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ có mưa rét. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 29 tháng Chạp đến mùng 7 Tết, các tỉnh miền Bắc trời nhiều mây có mưa nhỏ, mưa phùn. Vào đêm giao thừa trời rét đậm, mưa phùn.

Tuy nhiên, tác động của không khí lạnh đến các khu vực ở miền Bắc khác nhau. Trong khi Đông Bắc Bộ và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (gồm Thủ đô Hà Nội) chịu ảnh hưởng mạnh nhất nên trời rét sâu, có mưa nhỏ, mưa phùn trong suốt dịp nghỉ Tết. Nhiệt độ trong ngày 29 tháng Chạp và mùng Một Tết ở vùng đồng bằng 13-18 độ C, vùng núi 8-16 độ C, đề phòng tình trạng băng giá ở các đỉnh núi cao.

Tại khu vực Tây Bắc Bộ, tác động của không khí lạnh là không đáng kể nên thời tiết khá đẹp từ nay đến hết mùng 3 Tết. Dự báo khoảng từ mùng 4 Tết nền nhiệt khu vực này mới giảm, trời rét.

Trong khi đó, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, do cũng chịu tác động của không khí lạnh liên tiếp nên trời mưa rét kéo dài từ khoảng ngày 29 tháng Chạp đến mùng 7 Tết.

Trong khi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi trong ngày 29 tháng Chạp và mùng Một Tết trời lạnh, có mưa. Từ mùng 2 Tết, trời tạnh, thời tiết nắng ráo trở lại.

Riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết từ nay cho đến hết dịp Tết Nguyên đán khá đẹp với nắng ấm, ít mưa.

Cơ quan khí tượng cũng lưu ý, trong những ngày giáp Tết, trên khu vực Nam Biển Đông có khả năng xuất hiện một vùng áp thấp. Vùng áp thấp này có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển ra phía ngoài và tan dần, ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Riêng khu vực ven biển Nam Bộ từ 29 tháng Chạp tới mùng 3 Tết có khả năng xuất hiện đợt triều cường với độ cao trung bình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm