1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI

(Dân trí) - 8h30 sáng nay 18/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI đã chính thức khai mạc và dự kiến kéo dài trong một tháng. Quốc hội sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội, công tác giám sát và dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đánh giá, 9 tháng đầu năm 2005,  mặc dù thiên tai liên tiếp như hạn hán xảy ra trên diện rộng, bão lũ tàn phá nhiều nơi, dịch cúm gia cầm tái phát và diễn biến phức tạp, rồi thêm tình trạng thiếu điện kéo dài… nhưng nhờ sự lãnh đạo nhạy bén và kiên quyết của Đảng và Chính phủ nên chúng ta vẫn đạt được những thành tựu kinh tế đáng trân trọng. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch cũng thẳng thắn nhận định, mức tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm lực, hiệu quả đầu tư thấp, tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng chưa được đẩy lùi đáng kể. Những vấn đề nhức nhối như tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm chưa được khống chế có hiệu quả. Nhiều nơi, tình trạng ô nhiễm môi trường còn rất nghiêm trọng. Chủ tịch khẳng định: “Những tồn tại, yếu kém đó đang cản trở sự phát triển của đất nước ta”.

 

Chủ tịch cũng thông báo, kỳ họp này, Quốc hội có nhiệm vụ tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2005, phân tích những mặt chưa được, những thiếu sót, hạn chế, tìm ra nguyên nhân và đề ra những giải pháp khả thi góp phần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tạo cơ sở cho việc triển khai thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2006 và kế hoạch 5 năm  2006-2010.

 

Ngay sau lời khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đọc báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước.

 

Theo Thủ tướng, qua tình hình 9 tháng đầu năm nay và với quyết tâm phấn đấu trong quí IV, dự báo năm nay có thể đạt hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2005.

 

Tổng sản phẩm trong nước đạt xấp xỉ mức Quốc hội đề ra là 8,5%, nhanh hơn nhịp độ năm trước (7,79%). Riêng chỉ số tiêu dùng không kìm chế được dưới mức 6,5%, tuy nhiên, điều này không gây biến động lớn về kinh tế.

 

Thủ tướng khẳng định: “Nhìn tổng quát, có thể đánh giá năm 2005 đạt bước tiến mới về phát triển kinh tế- xã hội tương đối toàn diện”.

 

Tại kỳ họp thượng đỉnh Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 vừa qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước điển hình thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ đã được các nguyên thủ quốc gia nhất trí cam kết vào tháng 9/2000.

 

Dự báo khả năng thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu về nhiệm vụ năm 2005 theo Nghị quyết  số 41/2004/QH11 của Quốc hội (chỉ tiêu của QH đặt trong ngoặc đơn): GDP tăng 8,4% (8,5%); Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,2% (5,2%), giá trị tăng thêm tăng 4,1% (3,8%); Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 16,5% (16%), giá trị tăng thêm 10,7% (11%); Giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ 8,4% (8,2%); Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 38,2% GDP (36,5%); Tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động (1,6 triệu) trong đó xuất khẩu lao động đạt 7,5 vạn người (7 vạn); Số học sinh học nghề dài hạn tăng 12% (12%); Giảm tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn cũ), còn 7% (xuống dưới 7%); Giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 25% (25%); Giảm tỉ lệ sinh 0,4%o (0,4%o)

Đánh giá về tình  hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua (2001-2005), Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, đạt tốc độ cao hàng đầu châu Á và thế giới. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt hai con số, cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung của nền kinh tế.

 

Hội nhập kinh tế cũng đã có bước phát triển mới, xuất khẩu tăng nhanh, xâm nhập được vào một số thị trường lớn., kinh tế vĩ mô về cơ bản được duy trì ổn định, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hoá, xã hội cũng có bước phát triển, nổi bật là thành tựu xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân, phổ cập giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phòng chống dịch bệnh…

 

Thủ tướng nhận định: “Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước tiếp tục được đổi mới, đã hình thành những yếu tố cơ bản của hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có tiến bộ về tính công khai, minh bạch, an ninh chính trị - xã hội được giữ vững”.

 

Tuy nhiên, đánh giá về những mặt yếu kém, Thủ tướng cho biết, chúng ta còn thua nhiều nước xung quanh về trình độ phát triển kinh tế, công nghệ và sức cạnh tranh. Các nhân tố cần sự phát triển theo chiều sâu ít tiến bộ, hiệu quả đầu tư kém, chi phí sản xuất và lưu thông cao. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn còn chậm. Sự liên kết giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp còn yếu, qui hoạch đô thị chưa tốt, không đồng bộ với sự phát triển công nghiệp, dịch vụ…

 

Ngoài ra, sự chuẩn bị cho việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới chưa theo kịp yêu cầu, nhất là về đổi mới thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thị trường vốn cũng còn phát triển chậm, nợ xấu còn cao, cân đối năng lượng chưa an toàn. Dự trữ quốc gia nhất là dự trữ ngoại tệ tuy tăng khá nhưng chưa đủ vững chắc để đối phó với các tình huống biến động lớn, đột xuất.

 

Nói về những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, Thủ tướng khẳng định: “Việc làm trong sạch bộ máy và thực hiện dân chủ chưa đáp ứng yêu cầu. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn rất phổ biến và nghiêm trọng khiến lòng dân không yên, gây bất bình trong nhân dân, cản trở việc phát huy sức mạnh của dân và hiệu lực của nhà nước”.

 

Thủ tướng cũng đưa ra quyết tâm: “Năm 2006 và 5 năm 2006-2010 phải phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn, sớm vượt qua ngưỡng của nước đang phát triển, thu nhập thấp”.

 

Phiên họp lần này, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 15 dự luật và nghị quyết, lấy ý kiến về 9 dự luật.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh