Khai mạc chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc"
(Dân trí) - Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 chính thức khai mạc và diễn ra trong 8 ngày, từ ngày 20/9 đến ngày 27/9.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, khẳng định chiến khu Việt Bắc xưa là an toàn khu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù"; là nơi cả nước trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Không chỉ lưu giữ giá trị lịch sử cách mạng, Việt Bắc còn là kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi rừng hùng vĩ, sông nước hữu tình, hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm.
Giới thiệu điểm đặc sắc của chương trình năm nay, ông Sơn cho biết, chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" được tổ chức đúng vào dịp diễn ra Lễ hội Thành Tuyên - một lễ hội đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang, là sản phẩm du lịch độc đáo do chính nhân dân khởi xướng, lưu giữ và phát huy. Lễ hội năm nay có nhiều tỉnh trong khu vực và một số địa phương, tổ chức quốc tế tham gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định miền di sản Việt Bắc còn có nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ với những đỉnh núi cao, vực sâu và các thắng cảnh đẹp...
Nơi đây cũng là vùng đất tập trung nhiều di tích văn hóa lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng, có giá trị cao đối với phát triển du lịch, như Pắc Bó (Cao Bằng); Tân Trào, Khu di tích Kim Bình (Tuyên Quang); ATK Định Hóa (Thái Nguyên)...
Việt Bắc cũng là nơi giao thoa, hội tụ, kết tinh những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc anh em, đặc biệt là Thực hành Then của người Tày, Nùng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
"Với lợi thế trên, miền di sản Việt Bắc cần phát triển nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, tham quan các thắng cảnh thiên nhiên, khám phá những cung đường và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vùng núi cao; nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Việt Bắc…", ông Việt cho hay.
Nhận thức vai trò quan trọng của du lịch là động lực cho phát triển kinh tế, ông Việt cho rằng, các địa phương trong vùng với tiềm năng lợi thế của mình ở các cấp độ khác nhau, đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện phát triển ngành du lịch.
Các địa phương đều xác định du lịch hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều sản phẩm du lịch khai thác trên nền tảng mạng xã hội các giá trị văn hóa, lịch sử và trở thành thương hiệu của các tỉnh, như Lễ hội Thành Tuyên; Chợ tình Khau Vai, Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang, Lễ hội văn hóa chè Thái Nguyên…, ông Việt nêu dẫn chứng.
Chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIV tại tỉnh Tuyên Quang được tổ chức với quy mô cấp khu vực, gồm 6 tỉnh Việt Bắc: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang chính thức khai mạc.
Các hoạt động chính trong khuôn khổ Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 được tổ chức trong 8 ngày, từ ngày 20/9 đến ngày 27/9 (ngày 6/8 đến 13/8 Âm lịch) tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang và các huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang.
Từ khi nâng cấp trở thành lễ hội cấp tỉnh vào năm 2014, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định mục tiêu đưa Lễ hội Thành Tuyên mang thương hiệu quốc gia gắn với các sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước.
Vì thế sau mỗi năm, người xem lại thấy những mô hình đèn trở nên đẹp hơn, cầu kỳ hơn. Người làm lồng đèn luôn sáng tạo ra nhiều kiểu mẫu mới lạ mắt.
Bên cạnh, những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng "Thủ đô khu giải phóng" - "Thủ đô kháng chiến, Lễ hội Thành Tuyên được hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của tỉnh và mang thương hiệu quốc tế.