Quản lý xấp xỉ 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức
(Dân trí) - Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đi vào hoạt động dự kiến sẽ quản lý xấp xỉ 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.
Chiều 29/12, tại hội nghị triển khai công tác năm 2023, Bộ Nội vụ chính thức đưa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (cán bộ) đi vào hoạt động.
Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, trung thực về đội ngũ cán bộ trên cả nước; phục vụ công tác quản lý biên chế và công tác quản lý, sử dụng cán bộ.
Được biết, sau gần 2 năm chuẩn bị, tháng 5/2022, Bộ Nội vụ đã ký kết chương trình hợp tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Bằng kinh nghiệm triển khai thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các dự án Trục liên thông văn bản quốc gia cũng như các dự án lớn khác của Chính phủ, VNPT đã triển khai các giải pháp kỹ thuật, giải pháp về an toàn thông tin phù hợp nhất cho dự án.
Đến thời điểm này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ đã hoàn thành các giai đoạn thiết kế, xây dựng phần mềm, lắp đặt thiết bị hạ tầng, cài đặt hệ thống, đào tạo và triển khai trên phạm vi toàn quốc (96 Bộ, ngành, địa phương).
Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp triển khai thí điểm tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bến Tre để làm cơ sở hoàn thiện hệ thống, danh mục dữ liệu dùng chung và biểu mẫu. Đến giờ đã tích hợp, đồng bộ được dữ liệu của 35 Bộ, ngành, địa phương vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ trong các cơ quan nhà nước.
Được sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ đang tiếp tục thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu từ các Bộ, ngành, địa phương còn lại cũng như bổ sung, làm giàu dữ liệu để đảm bảo cơ sở dữ liệu được đầy đủ, cập nhật theo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống".
"Việc triển khai thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là chìa khóa để Bộ Nội vụ tham mưu thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, chính sách và quản lý biên chế, quản lý, sử dụng cán bộ trên toàn quốc", đại diện Bộ Nội vụ cho hay.
Thời gian tới, cơ sở dữ liệu sẽ được khai thác trên phạm vi toàn quốc, phục vụ mục tiêu sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Bộ Nội vụ khẳng định cơ sở dữ liệu cần sự đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc, dữ liệu cần cập nhật thường xuyên, có sự kết nối mọi lúc, mọi nơi, giữa tất cả các cơ quan, ban ngành, địa phương và kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội.
"Điều đó không chỉ đòi hỏi cơ sở hạ tầng, năng lực cũng như kinh nghiệm rất lớn của nhà cung cấp giải pháp công nghệ, mà còn cần sự tham gia triển khai tích cực của toàn ngành Nội vụ và sự chung tay góp sức của các Bộ, ban, ngành, địa phương", đại diện Bộ Nội vụ cho hay.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đi vào hoạt động dự kiến sẽ quản lý xấp xỉ 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.