1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

K8 - huyền thoại và nỗi đau!

(Dân trí) - Chỉ trong một trận đánh, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 324) đã hi sinh đến gần 500 người. Hơn 20 người thoát được khỏi vòng vây thì sa vào tay giặc và bị lưu đày tại Phú Quốc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nỗi đau dường như vẫn hiện hữu trên mảnh đất này.


Bia tưởng niệm K8 nằm bên cạnh sông Bồ (thuộc thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) như một chứng tích của một trận đấu không cân sức trên mảnh đất này hơn nửa thế kỷ trước. Dòng sông Bồ hiền hậu uốn quanh canh đồng lúa thì con gái xanh mướt này đã từng là nơi nhấn chìm hàng trăm người lính Bắc Việt. Nỗi đau ấy đã hóa vào trời xanh, vào hương khói bảng lảng của một sáng chớm hè…

Người cựu binh Lê Hà Học (SN 1947, quê Thanh Hóa, hiện trú tại phường 3, quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh) đứng lặng hồi lâu trước dòng sông Bồ. Ông không khóc nhưng dường như nỗi đau đã dồn hết lên những nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ, xương xẩu. Nhiều, rất nhiều đồng đội của ông đã hòa tan dưới dòng sông này.

K8 - huyền thoại và nỗi đau!
Đoàn cựu chiến binh chiến trường Trị - Thiên thăm bia tưởng niệm K8 tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.

Ông Học là nhân chứng duy nhất của K8 (Tiểu đoàn 8), Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 về thăm lại chiến trường xưa trong lần này. “Đơn vị tôi phần lớn đã nằm lại mảnh đất này, cả tiểu đoàn chỉ còn hơn 20 người thoát được khỏi vòng vây. 500 chiến sỹ cùng hơn 100 cán bộ địa phương, sinh viên tiến bộ đã hi sinh trong một trận đánh”, đôi mắt ông mờ đi trước khói hương váng vất.

Những người lính vào sinh ra tử, có lẽ đã chứng kiến bao nhiêu cái chết của đồng đội nhưng câu chuyện của ông khiến họ khựng lại. Họ vây quanh ông để được nghe câu chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng “thà hi sinh chứ nhất định không đầu hàng giặc” của các chiến sỹ K8.

Mùa xuân năm 1968, K8 được tăng cường cho mặt trận Huế. Ngày 19/2, trung đoàn mới có mặt ở Huế, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu ở Thành Nội và tham gia giữ cửa An Hòa. Ngày 23/2, tiểu đoàn được lệnh rút về Hương Trà sau đó được lệnh luồn sâu xuống vùng đông huyện Quảng Điền, phối hợp với lực lượng địa phương củng cố chính quyền cách mạng ở đồng bằng, đồng thời kéo giãn địch ra, tạo điều kiện cho tổng tấn công nổi dậy đợt II.

Cựu chiến binh Lê Hà Học - người lính K8 năm xưa.
Cựu chiến binh Lê Hà Học - người lính K8 năm xưa.

Tại thời điểm đó, mặc dù bị tổn thất nặng nề sau chiến dịch Tết Mậu Thân của ta nhưng địch nhanh chóng ổn định tình hình, củng cố và tăng cường lực lượng, liên tiếp mở các cuộc truy quét đẩy quân giải phóng ra khỏi vùng giáp ranh. Bên cạnh đó, tại các vùng đồng bằng, các ấp chiến lược cùng các đồn bốt được thiết lập dày đặc. Bọn ác ôn cũng ngóc đầu dậy, ra sức tàn sát nhân dân và lực lượng cách mạng ở cơ sở. Trong khi đó, lực lượng quân ta chưa được củng cố, thế trận cũng chưa được khôi phục, xây dựng, thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược…

Ngày 26/3, K8 mới có mặt ở làng Thanh Lương (xã Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Chỉ sau 2 ngày tiểu đoàn có mặt tại đây đã bị địch phát hiện và huy động máy bay, xe tăng tới bao vây, tiêu diệt. Sau 5 ngày giao tranh ác liệt, tổn thất nặng nề buộc các chiến sỹ phải mở đường máu về vùng lõm Quảng Thọ (Quảng Điền).

Ngày 26/4, Tiểu đoàn 8 có mặt ở làng Phước Yên, tổ chức đào đắp công sự để chuẩn bị chiến đấu. Ngay lập tức, địch đổ 7 tiểu đoàn nhằm bao vây, “xóa sổ” lực lượng quân giải phóng Bắc Việt ở làng Phước Yên.

Dòng sông Bồ - chứng tích của cuộc chiến đấu anh dũng của Tiểu đoàn 8
Dòng sông Bồ - chứng tích của cuộc chiến đấu anh dũng của Tiểu đoàn 8

“Phước Yên bị bao vây giữa một hệ thống đồn bốt dày đặc cùng với dây thép gai. Địch tới tấp ném bom, pháo kích xuống trận địa. Sau mỗi đợt pháo kích, chúng lại bắc loa chiêu hàng. Loa chiêu hàng tắt, anh em lại đáp trả bằng những loạt A.K, đạn cối. Thấy không thể chiêu hàng được, địch tiếp tục tổ chức tấn công. Những ngày đó, không một mét đất Phước Yên nào không bị bom đạn địch cày xới. Ta chỉ có thể nương vào những bụi tre, bờ tường để kháng cự. Lúc này, người dân Phước Yên cũng đã di tản đến nơi khác. Tình thế hết sức cam go”, ông Học nhớ lại.

Lúc này, Sư đoàn 324 điều Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 3) về giải vây cho K8. Thiếu tướng Võ Văn Chót - nguyên chỉ huy Tiểu đoàn 3 nhớ lại: “Chúng tôi được lệnh giải vây cho K8 nhưng trong tình thế thiếu vũ khí, đạn dược, mỗi lần tổ chức tấn công đều bị địch đánh bật ra ngoài. Tiểu đoàn 1 lúc ấy đã không thực hiện được nhiệm vụ giải vây cho K8”.

Dòng sông Bồ - chứng tích của cuộc chiến đấu anh dũng của Tiểu đoàn 8
Câu chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng, thà hi sinh chứ không chịu đầu hàng giặc của Tiểu đoàn 8 nhận được sự kính phục của chính những người lính đi ra từ khốc liệt chiến tranh.

Mặc dù được trung đoàn 3 “chia lửa” từ vòng ngoài nhưng K8 liên tục hứng chịu những tổn thất nặng nề về lực lượng. “Trong tình thế bị bao vậy, không có dân hỗ trợ, chúng tôi đinh ninh nếu vượt qua được sông Bồ, vào được làng bên kia thì có thể hạn chế được thương vong. Tuy nhiên, khi vượt qua được sông Bồ thì lọt ngay vào ổ phục kích của địch. Tiểu đoàn tôi hi sinh ngay bên kia sông nhiều lắm, nhiều đến nỗi, bọn địch dùng máy xúc đẩy xuống làm nghẽn cả dòng sông Bồ. Chúng tôi không thể làm lễ an táng cho đồng đội, không thể đắp cho anh em một nấm mồ…”, người lính năm xưa dõi đôi mắt sang bên kia sông Bồ, nơi cánh đồng lúa đang lượn sóng.

Tối ngày 29/3, lực lượng còn lại của K8 quyết định mở đường máu để thoát ra khỏi vòng vây. Cuộc chiến đấu ác liệt, một mất một còn diễn ra trong thế không cân sức nhưng với tinh thần quả cảm, quyết không để rơi vào tay địch, vòng vây bị chọc thủng. Tuy nhiên, phần lớn lực lượng còn lại của K8 hi sinh, những ngoài thoát được ra khỏi vòng vây bị thương nặng.

Ký ức chiến tranh đã lùi xa, nhường cho màu xanh trù phú ở Phước Yên.
Ký ức chiến tranh đã lùi xa, nhường cho màu xanh trù phú ở Phước Yên.

“Bị thương nặng, chúng tôi bị địch bắt lại. Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Huế, chúng đưa chúng tôi ra giam tại nhà tù Phú Quốc. Cả tiểu đoàn chỉ còn hơn 20 người sống sót. Hơn 500 con người đã nằm lại mảnh đất Phước Yên này. Thỉnh thoảng, người ta vẫn đào được những bộ hài cốt của đồng đội tôi ở những cánh đồng Phước Yên. Nhưng còn những người nằm dưới sông Bồ?…”, ông bỏ lửng câu nói ở đó, dường như nỗi đau quá lớn khiến mặt ông quắt lại.

Trong hồ sơ lưu trữ tại nhà tù Phú Quốc, những người lính K8 bị khép vào tội “xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa”. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, những chiến sỹ K8 cùng nhiều tù binh tại nhà tù Phú Quốc được giải thoát.

Cựu chiến binh Lê Hà Học thắp hương tưởng nhớ các đồng đội ngã xuống trên quê hương Phước Yên.
Cựu chiến binh Lê Hà Học thắp hương tưởng nhớ các đồng đội ngã xuống trên quê hương Phước Yên.

Phước Yên – đó là nỗi đau của những người lính K8 còn sống sót. Nhưng Phước Yên cũng là biểu tượng cho tinh thần quật cường, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của Tiểu đoàn 8. Năm 2007, để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống, chính quyền và nhân dân địa phương cùng những người lính trở về đã đóng góp, dựng lên nhà bia tưởng niệm K8 để những người lính năm xưa luôn bất tử trên mảnh đất này.

“Hơn 20 người sống sót năm xưa giờ tứ tán khắp nơi. Người mất, người về quê, người lưu lạc đâu không rõ. Hơn nửa thế kỷ rồi nhưng tôi chỉ gặp lại được 3 người là đồng đội năm xưa. Giá như, một lần nào đó, những người sống sót có thể về đây thắp cho anh em ngã xuống ở Phước Yên một nén hương, để những người nằm lại dưới dòng sông Bồ không phải chạnh lòng…”, giọng người cựu binh nghẹn ngào cùng nước mắt.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm