Jetstar Pacific “tố” Vinapco lên Thủ tướng

(Dân trí) - Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, hãng hàng không Jetstar Pacific khẳng định: Công ty xăng dầu hàng không (Vinapco) đã báo cáo Chính phủ và các Bộ sai sự thật về các vấn đề phát sinh trong thời gian qua giữa hai đơn vị.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific (JP) khẳng định: thông tin Vinapco đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu bay cho JP ngày 1/4/2008 do JP nợ tiền mua nhiên liệu bay của Vinapco là sai sự thật.
 
“Chúng tôi nhận thấy có trách nhiệm phải báo cáo Chính phủ về các thông tin không đúng sự thật để bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động kinh doanh, bảo đảm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 480/QĐ-TTg là: “Bảo đảm các điều kiện cần thiết để các hãng hàng không hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử”, ông Nam cho biết.
 
Dẫn chứng hãng bay giá rẻ này đưa ra cho thấy: trong quá trình báo cáo giải trình với Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và trực tiếp với Hội đồng cạnh tranh tại phiên điều trần ngày 14/4/2009, đại diện của Vinapco thừa nhận việc JP hoàn toàn không nợ tiền, chậm trả Vinapco.

Jetstar Pacific “tố” Vinapco lên Thủ tướng - 1
Chiều 11/9/2008, máy bay của JP đã bị một xe tiếp nhiên liệu của Vinapco đâm rách cánh.
 
Cũng theo ông Lương Hoài Nam, theo điều kiện Vinapco áp đặt cho JP và Indochina Airlines (IA), hàng tháng các hãng hàng không phải ứng trước tiền cho Vinapco để công ty này đi mua nhiên liệu bay về bán lại. Đây là việc Vinapco lợi dụng vị thế độc quyền để chiếm dụng vốn của JP và IA, không phải JP và IA nợ tiền Vinapco (nhiên liệu bay còn chưa nạp vào máy bay thì không gọi là nợ được - JP).
 
“Điều kiện ứng tiền trước của Vinapco chưa từng có trên thế giới: JP mua nhiên liệu bay tại nước ngoài chỉ trả sau, không bao giờ phải ứng tiền trước. Trong tháng 4/2009, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (công ty mẹ của Vinapco) đã ra chỉ thị bỏ cơ chế ứng trước tiền xăng dầu nhưng đến nay Vinapco chưa có động thái gì thực hiện” - ông Nam cho biết.
 
JP cũng phủ nhận nội dung công văn ngày 18/5/2009 khi Vinapco cho rằng “tình hình nợ đọng quá hạn phải thanh toán vẫn không được giải quyết và các doanh nghiệp này có xu hướng cố tình chiếm dụng vốn của Vinapco”.
 
Theo hãng bay này, sự thật là các khoản tạm ứng nêu trên đã được JP giải quyết và thanh toán dứt điểm vào ngày 15/5/2009. JP chưa bao giờ có ý định chiếm dụng vốn của Vinapco. Ngoài ra, việc bảo toàn vốn nhà nước mà Vinapco đề cập, JP cũng có trách nhiệm như Vinapco vì Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh nhà nước (SCIC) chiếm hơn 70% vốn của JP.
 
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2008 đến nay, trong khi biến động giá nhiên liệu và suy thoái kinh tế làm JP, IA và nhiều hãng hàng không khác lỗ nặng thì Vinapco với vị thế độc quyền vẫn đạt lợi nhuận cao. Nếu thiệt hại trong 5 tháng đầu năm 2009 do JP và IA chậm ứng tiền cho Vinapco là 1 tỷ đồng (theo Vinapco tính) thì con số này chiếm chưa đến 1% lợi nhuận năm 2008 của Vinapco.
 
Ông Nam khẳng định: “Sự thật là mọi động thái của Vinapco có thể uy hiếp đến sự sống còn của JP và IA khi chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài Vinapco để mua nhiên liệu bay”. 
 

Trước đó, ông Trần Hữu Phúc - Giám đốc Công ty xăng dầu hàng không (Vinapco) cho biết, ngày sau khi bị Hội đồng Cạnh tranh quốc gia xử phạt hơn 3 tỉ đồng liên quan đến việc ngừng cung cấp xăng dầu ngày 1/4/2008, Vinapco đã gửi công văn khẩn cấp đến các cơ quan chức năng.

Theo Vinapco, các hãng hàng không nợ đọng kéo dài, căn cứ theo hợp đồng mua bán xăng dầu đã ký, Vinapco hoàn toàn có quyền ngừng cung cấp xăng dầu cho 2 hãng này.

Tuy nhiên, việc ngừng cung cấp nhiên liệu sẽ ảnh hưởng đến khách hàng, dư luận xã hội, giao thương kinh tế... Trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều vướng mắc, Vinapco không đủ thẩm quyền giải quyết nên cần phải có sự chỉ đạo có tính pháp lý từ các cơ quan quản lý nhà nước.

 
Phúc Hưng