DNews

"Hút" hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược và quyết tâm "rót vốn" vào loạt dự án lớn với số tiền hàng chục tỷ USD, trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

"Hút" hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng

25 hoạt động trong 2 ngày thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đem lại hiệu quả cụ thể bằng những "con số biết nói", mở ra cơ hội đầu tư lớn giữa hai nước.

Các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ muốn đầu tư lâu dài ở Việt Nam

Thúc đẩy và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp hàng đầu Ấn Độ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm nước này của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong chuỗi lịch trình dày đặc từ sáng tới tối ở Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ trong các lĩnh vực như Adani (tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về hạ tầng, năng lượng), SMS Pharmaceuticals (một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất Ấn Độ), BDR (nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ), Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia, Tập đoàn ONGC (tập đoàn dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Ấn Độ), tập đoàn công nghệ thông tin HCL…

Khi trao đổi với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đều xác định Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược tại đây.

Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 1
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 2
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 3
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 4
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 5

Đơn cử, lãnh đạo Tập đoàn Adani khẳng định cam kết, quyết tâm đầu tư tại Việt Nam với các dự án được đề xuất có tổng vốn lên tới khoảng 10 tỷ USD như cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng (khoảng trên 2 tỷ USD), dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (khoảng 2,8 tỷ USD), sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai…

SMS Pharmaceuticals cũng đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với mục tiêu thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4-5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới.

Khuyến khích các tập đoàn lớn, tỷ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng sẽ tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các lĩnh vực được khuyến khích gồm hạ tầng giao thông chiến lược, lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, chuyển đổi số, bán dẫn, chuyển đổi xanh (hydrogen), năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…

Đặc biệt, Thủ tướng khuyến khích mạnh mẽ hợp tác, đầu tư của các tập đoàn dược phẩm Ấn Độ, nhất là sản xuất các loại vaccine, thuốc điều trị các bệnh nan y. Theo Thủ tướng, Việt Nam có tiềm năng lớn về các loại dược liệu trong khi Ấn Độ có thế mạnh lớn về công nghiệp dược.

Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kêu gọi đầu tư tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nhấn mạnh việc đầu tư vào Việt Nam trong ngành dược là lựa chọn thông minh, song Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng là "đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả cụ thể", làm ra sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ tốt, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Thủ tướng cũng kỳ vọng vào việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp ý hoàn thiện chính sách, góp phần hình thành hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển" giữa các chủ thể.

Dư địa hợp tác còn rất nhiều

 Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Ấn Độ lần này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong việc mở ra giai đoạn mới cho hợp tác phát triển, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được hai nước thiết lập năm 2016, song theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kim ngạch thương mại hai nước đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa, nhất là khi thị trường của Ấn Độ rất lớn.

Đặc biệt, năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách hướng Đông của nước này, nhưng 8 năm qua, những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Dũng, đang khiêm tốn, dư địa còn rất nhiều.

Đánh giá về khả năng của các doanh nghiệp Ấn Độ, ông Dũng cho rằng họ có thế mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, dược phẩm, năng lượng, nông nghiệp, chế biến chế tạo…

Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 7

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Với định hướng bổ sung cho nhau giữa hai nền kinh tế, Việt Nam và Ấn Độ có thể xây dựng chuỗi giá trị không chỉ phục vụ cho thị trường Ấn Độ và Việt Nam, mà còn tham gia vào thị trường toàn cầu, theo ông Dũng.

Ông kỳ vọng nhiều dự án lớn về dược phẩm sẽ triển khai sớm vì rất tiềm năng, có thể tạo thành một trung tâm sản xuất, nghiên cứu về thuốc để cung cấp cho thế giới.

Với các dự án như Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) hay trung tâm logicstics, dầu khí…, ông Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập ngay các tổ công tác để cùng đối tác Ấn Độ triển khai nhanh chóng, thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định Ấn Độ là một quốc gia đông dân số nhất thế giới với 1,4 tỷ dân, cũng là một quốc gia rất gần Việt Nam về mặt địa lý, truyền thống văn hóa và tập quán tiêu dùng.

"Nền kinh tế Ấn Độ và Việt Nam có tính bổ trợ cho nhau rất lớn, và giữa hai nước có quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, đây là cơ sở thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư", ông Diên nhấn mạnh.

Ông đáng giá những năm qua, tận dụng cơ hội và những điều kiện thuận lợi này, Việt Nam và Ấn Độ đã thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm và quy mô thương mại hai chiều năm 2023 đạt mức 15 tỷ USD.

Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 8

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Đoàn Bắc).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Diên, con số này còn rất nhỏ so với tiềm năng và dư địa để phát triển của hai nước. Nguyên nhân cơ bản nhất là do hai bên đến nay vẫn chưa có Hiệp định thương mại tự do song phương mà tất cả dựa trên Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và ASEAN, trong khi đó còn một số vướng mắc ở hiệp định này chưa được tháo gỡ.

Sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Diên cho biết những vấn đề lớn đều đã được đặt lên bàn của các nhà lãnh đạo và đã giải quyết căn bản, thống nhất thúc đẩy sớm có Hiệp định thương mại tự do song phương.

"Sau chuyến thăm này, nhiều vấn đề khó trong lĩnh vực thương mại sẽ được tháo gỡ. Trong đầu tư, hai bên đã thống nhất hợp tác phát triển công nghiệp trọng điểm như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp năng lượng và hóa chất", Bộ trưởng Công Thương chia sẻ.

Tăng cường quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên cơ sở "5 hơn"

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Narendra Modi mời thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 liên tiếp.

Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo xung lực mới và mở ra một trang mới thực chất và sâu rộng hơn, với nhiều cơ hội hơn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

"Chúng tôi tái khẳng định sự ưu tiên và coi trọng mà Việt Nam và Ấn Độ dành cho nhau trong chính sách đối ngoại. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục trân trọng, gìn giữ, củng cố, tăng cường quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ với tư cách là những người bạn chân thành, tin cậy, thủy chung son sắt, cùng sát cánh bên nhau trong suốt chiều dài lịch sử, hiện tại và trong tương lai; nỗ lực tìm ra điểm đột phá đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với báo giới sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi.

Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 9
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 10
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 11
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 12
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 13

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp hiện nay, hai nước cần phát huy mạnh mẽ truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để cùng nhau vươn tới các mục tiêu chiến lược mới.

Thủ tướng Narendra Modi khẳng định Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách hướng Đông, là đối tác chủ chốt trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ.

Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực truyền thống như quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, văn hóa - giáo dục và mở rộng những lĩnh vực hợp tác mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, gia tăng thương mại và đầu tư hai chiều, đẩy mạnh và làm sâu sắc hợp tác về khoa học - công nghệ.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lãnh đạo Ấn Độ đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tinh thần "5 hơn".

Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 14
Hút hàng chục tỷ USD từ các tỷ phú Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng - 15

Một là, tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn. Hai là, hợp tác quốc phòng - an ninh sâu sắc hơn. Ba là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, đột phá hơn.

Bốn là, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn và năm là hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn.

Để cụ thể hóa phương hướng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất cần 5 định hướng ưu tiên.

Theo ông, cần củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đưa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ.