1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Huế xin dừng hợp phần dự án từ nguồn bồi thường của Formosa

Vi Thảo

(Dân trí) - Do nhiều nguyên nhân, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị dừng hợp phần trồng, phục hồi san hô trên biển từ nguồn kinh phí bồi thường Formosa.

Mới thi công một hợp phần

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức gửi văn bản tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đề nghị dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô trong dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh, do không còn đủ thời gian để thực hiện.

Dự án có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; gồm 2 hợp phần: thả rạn nhân tạo (150 tỷ đồng) và trồng, phục hồi san hô (20 tỷ đồng).

Huế xin dừng hợp phần dự án từ nguồn bồi thường của Formosa - 1
Hợp phần thả rạn nhân tạo của dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Khánh Nguyễn).

Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế là chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự kiến kéo dài đến hết năm 2024.

Hợp phần thả rạn nhân tạo được thi công tại vùng biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích khoanh vùng khoảng 300ha, bao gồm 127 cụm rạn và 4.352 khối rạn. 

Trong năm 2024, dự án được bố trí vốn 140 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 79%. Chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đến nay đạt khoảng 95% khối lượng công việc.

Gặp khó trong việc trồng, phục hồi san hô

Riêng hợp phần trồng, phục hồi san hô, Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế rà soát, xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để thực hiện dự án.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là dự án mới, có tính đặc thù, các định mức kinh tế kỹ thuật chưa được thiết lập, gây khó khăn trong thẩm định, phê duyệt dự toán; địa phương không có đơn vị tư vấn đủ điều kiện và kinh nghiệm để thực hiện.

Mặt khác, quy trình trồng, phục hồi san hô đòi hỏi thời gian tối thiểu 5 tháng cho mỗi công tác. Hiện tại, Thừa Thiên Huế đã bước vào mùa mưa bão, khiến thời gian thi công thuận lợi không còn, trong khi dự án phải hoàn thành trước ngày 31/12.

Chủ đầu tư cho biết, quy trình kỹ thuật nuôi cấy, phục hồi san hô cứng tại Việt Nam hiện nay chỉ mới được Viện Nghiên cứu hải sản thử nghiệm tại khu vực rạn san hô Bãi Cả vùng Hải Vân - Sơn Chà, do đó chưa đủ cơ sở pháp lý để áp dụng xây dựng định mức.

Ngày 18/9, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc xác định địa giới hành chính giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó giao thành phố Đà Nẵng quản lý hòn Sơn Chà.

Việc chờ đợi các thủ tục triển khai nghị quyết và xác định đường địa giới trên thực địa gây nhiều khó khăn cho việc triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô, không đảm bảo thời gian hoàn thành.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sẽ lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan để phục vụ triển khai dự án khi các định mức trồng, phục hồi san hô được ban hành.

Huế xin dừng hợp phần dự án từ nguồn bồi thường của Formosa - 2
Hợp phần trồng, phục hồi san hô gặp khó khi phải đợi xác định đường địa giới trên thực địa giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng (Ảnh: Vi Thảo).

Như Dân trí đã đưa tin, dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế được phê duyệt từ năm 2019, bao gồm 2 hợp phần.

Theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, hợp phần thả rạn nhân tạo thực hiện tại vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế (phạm vi huyện Phú Lộc) và vùng biển thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô được triển khai tại khu vực bãi Sụng Rong Câu và bãi Chuối, thuộc vùng biển ven bờ thị trấn Lăng Cô, với diện tích 16-18ha.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tìm nguồn giống, diện tích thực hiện đã được điều chỉnh xuống còn 4ha, bao gồm 1,5ha tại bãi Sụng Rong Câu và 2,5ha tại bãi Chuối. Đến nay, hợp phần này vẫn chưa được triển khai trên thực địa.

Tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao cho 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thực hiện đầu tư các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh - nguồn lợi thủy sản.

Nhóm dự án này sử dụng khoản tiền bồi thường sau sự cố môi trường biển năm 2016 của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Từ nguồn kinh phí nói trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá gồm 3 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng,

Bộ NN&PTNT hướng dẫn, chọn địa điểm thực hiện dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế với 2 hợp phần, tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm