1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Cấp 170 tỷ đồng phục hồi hệ sinh thái từ tiền bồi thường của Formosa

Vi Thảo

(Dân trí) - Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã được phân bổ kinh phí 170 tỷ đồng từ tiền bồi thường của Formosa.

Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, được phê duyệt từ năm 2019, đang tiến hành các bước đầu tư, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này làm chủ đầu tư.

Với tổng mức đầu tư lên đến 170 tỷ đồng, từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Dự án gồm hai hợp phần chính: thả rạn nhân tạo (150 tỷ đồng) và trồng, phục hồi rạn san hô (20 tỷ đồng).

Dự án này nhằm hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú và giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác bằng lưới kéo đáy đến các khu vực tập trung sinh sản và khu vực thủy sản non sinh sống, qua đó thúc đẩy phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Cấp 170 tỷ đồng phục hồi hệ sinh thái từ tiền bồi thường của Formosa - 1

Khu vực vùng biển ven bờ thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), nơi dự kiến triển khai dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Theo quy định, dự án phải hoàn thành vào tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công trên thực địa.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết do đây là dự án lần đầu tiên được thực hiện tại địa bàn và có tính đặc thù, việc thẩm định và phê duyệt dự toán gặp nhiều khó khăn, nhiều lần phải xin ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương để bổ sung và điều chỉnh.

Đầu tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TTg về việc phân bổ kinh phí từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, vị trí thả rạn nhân tạo thuộc vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế (phạm vi huyện Phú Lộc) và vùng biển thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hợp phần trồng và phục hồi rạn san hô sẽ được triển khai tại khu vực bãi Sụng Rong Câu và bãi Chuối thuộc vùng biển ven bờ thị trấn Lăng Cô, với diện tích 16-18ha.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tìm nguồn giống, diện tích thực hiện đã được điều chỉnh xuống còn 4ha, bao gồm 1,5ha tại bãi Sụng Rong Câu và 2,5ha tại bãi Chuối.

San hô được chọn để trồng là những loài san hô cứng tạo rạn, đặc biệt là một số loài bản địa thuộc bộ san hô cứng (Scleractinia). Nguồn giống sẽ được lấy từ vùng biển Sơn Trà (Đà Nẵng) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam). San hô giống sẽ được trồng trên nền đáy cứng, vững chắc như thềm rạn đá hoặc các giá thể nhân tạo được thiết kế phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường.

Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn chỉnh giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đang tổ chức mời thầu hợp phần thả rạn nhân tạo, dự kiến sẽ bắt đầu thi công trong tháng 5.

Riêng hợp phần trồng và phục hồi rạn san hô đã hoàn chỉnh hồ sơ giai đoạn lập dự án và đang chờ Bộ NN&PTNT xem xét, ban hành xây dựng định mức để triển khai các bước tiếp theo.

Quá trình triển khai dự án cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn giống và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt như bão, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Đơn vị tư vấn đã đề xuất chỉ thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Do vậy, việc hoàn thành hợp phần trồng và phục hồi rạn san hô trong năm 2024 là một thách thức lớn.

Tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao cho 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thực hiện đầu tư các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh - nguồn lợi thủy sản.

Nhóm dự án này sử dụng khoản tiền bồi thường sau sự cố môi trường biển năm 2016 của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Đến tháng 9/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh này làm chủ đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với kinh phí 400 tỷ đồng, được phân bổ từ khoản tiền bồi thường nói trên.

Với số tiền đó, Hà Tĩnh được phê duyệt thực hiện 4 dự án, trong đó có dự án đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng với kinh phí 280 tỷ đồng.