1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Huế lát đá đường đi bộ, làm thác rồng trong công viên "ma mị" bỏ hoang

Vi Thảo

(Dân trí) - Chậm nhất đến đầu tháng 2/2025, tuyến đường đi bộ và xe đạp, xung quanh hồ Thủy Tiên (thành phố Huế), được lát đá granit chống trượt, sẽ hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân.

Ngày 24/9, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), cho biết đã giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng Công viên Thiên An.

Địa điểm xây dựng Công viên Thiên An là khu Công viên hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng) bị bỏ hoang lâu nay, trong đó có hạng mục tượng rồng khổng lồ, "ma mị" đã từng lên báo nước ngoài, gây xôn xao dư luận.

Huế lát đá đường đi bộ, làm thác rồng trong công viên ma mị bỏ hoang - 1

Chỉnh trang, xây dựng lại Công viên hồ Thủy Tiên thành Công viên Thiên An (Vi Thảo).

Các hạng mục xây dựng gồm: đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, thoát nước (giai đoạn đầu) và xây dựng thác rồng (giai đoạn sau).

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, cho biết dự án xây dựng Công viên Thiên An - các hạng mục: đường phục vụ người đi bộ và xe đạp, hệ thống chiếu sáng, thoát nước có tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng 17 tỷ đồng.

Dự án đã được khởi công từ ngày 12/8, thời gian thực hiện 180 ngày, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 2/2025.

Tuyến đường đi bộ và xe đạp trong khu công viên dài hơn 2km, chạy xung quanh bờ hồ Thủy Tiên, rộng 4,5-5,5m; mặt đường thảm bê tông dày 20cm, sau đó sẽ lát đá granit chống trượt.

Tính đến nay, việc đổ bê tông mặt đường đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc. Các hạng mục khác cũng đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Huế lát đá đường đi bộ, làm thác rồng trong công viên ma mị bỏ hoang - 2

Tuyến đường đi bộ trong công viên Thiên An đang trong quá trình hoàn thành xây dựng (Ảnh: Vi Thảo).

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tại kỳ họp lần thứ 8 (18/7), HĐND thành phố Huế nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng Công viên Thiên An - hạng mục thác rồng, với tổng mức đầu tư gần 29 tỷ đồng.

Dự án sẽ xây dựng một thác rồng hình vòm, âm xuống khoảng 4m. Vị trí thực hiện nằm bên cạnh tượng rồng khổng lồ hiện hữu trong khu Công viên hồ Thủy Tiên bị bỏ hoang lâu nay.

Theo ông Lê Như Chinh, chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục hồ sơ để triển khai dự án theo quy định.

Chủ trương của thành phố Huế khi xây dựng khu Công viên Thiên An là tạo không gian công cộng, phục vụ miễn phí các nhu cầu tham quan, trải nghiệm, cắm trại, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, cắm trại của người dân và du khách, tạo thêm điểm nhấn để thu hút du khách đến với Huế.

Ông Chinh cho biết thêm, trong Công viên Thiên An sẽ có khu công viên Huế - Hà Nội - TPHCM, với các hạng mục mang tính biểu trưng cho tình cảm gắn kết bền chặt của 3 thành phố này.

Công viên nước hồ Thủy Tiên nằm dưới chân đồi Thiên An (xã Thủy Bằng, thành phố Huế), được đưa vào khai thác từ năm 2004.

Công viên có diện tích gần 50ha với nhiều hạng mục, công trình, giữa hồ trong công viên có tượng rồng khổng lồ. Công viên đã bị đóng cửa, bỏ hoang từ nhiều năm nay do khai thác không hiệu quả.

Tờ Huffington Post (Mỹ) từng có bài viết và hình ảnh ma mị của nơi này. Từ đó, công viên hồ Thủy Tiên hút khách.

Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định thu hồi toàn bộ diện tích của dự án.

Khu đất sau đó được bàn giao cho thành phố Huế quản lý, khai thác.

Năm 2022, chính quyền quyết định chỉnh trang khu vui chơi công cộng, điểm du lịch trên với kinh phí 20 tỷ đồng.

Các tài sản trên đất, bao gồm tượng rồng khổng lồ giữa lòng hồ Thủy Tiên được bán đấu giá cho một doanh nghiệp tại Đà Nẵng để tháo dỡ, trả lại mặt bằng.

Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận với doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định không đập bỏ tượng rồng mà giữ lại và giao Trung tâm công viên cây xanh Huế quản lý.