Huấn luyện chó nghiệp vụ - Gian khổ và thậm chí đổ máu!

(Dân trí) - “Con ốm, vợ đau, mình có thể nhờ người chăm sóc. Chó nghiệp vụ mà ốm là lính xác định ăn ở với đơn vị. Khi nó ốm, nhiều khi phải động viên nó uống thuốc, nựng nó ăn cơm còn hơn chăm con ở nhà”, Trung tá Thái Duy Dũng - Đội trưởng Đội quản lí, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng cảnh sát cơ động (PK20) - Công an tỉnh Nghệ An nói.

Những “chiến sỹ không sao”

Phát hiện đối tượng, từ khoảng cách 100m, con Benly lao lên. Đó là giống chó Becgie Bỉ, to khỏe và hung dữ. Nó dùng thân hình lực lưỡng của mình đè đối tượng ngã vật xuống, miệng ngoạm chặt lấy cánh tay. Nhiệm vụ được hoàn thành không đầy 30 giây! Đây là một trong những bài tập thường xuyên của Benly và 18 “chiến sỹ không sao” khác tại Đội quản lí, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An.

“Để được lựa chọn, các chú chó phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe như hệ thần kinh, ngoại hình tốt, các bộ phận đặc biệt là khứu giác, thị giác và thính giác phải nhạy. Chó bảo vệ, truy bắt, truy vết phải có hệ thần kinh mạnh, hung dữ, ngoại hình to lớn, khả năng trấn áp. Chó giám biệt chất đặc định (ma túy, thuốc nổ), nguồn hơi thì hệ thần kinh cân bằng, tính đồng hóa, hiền lành hơn”, Trung tá Dũng cho hay.

Trung tá Dũng cho chúng tôi xem cánh tay đầy vết sẹo – hậu quả một cú tấn công của chú chó mà đồng nghiệp anh huấn luyện hơn chục năm trước. Như vậy đủ để hiểu việc huấn luyện những chú chó giỏi nghiệp vụ - một lực lượng quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống và truy bắt tội phạm của Công an tỉnh Nghệ An thực sự gian khổ, kỳ công, đổ mồ hôi, thậm chí đổ cả máu.

Hướng dẫn chó nghiệp vụ vượt chướng ngại vật - một trong những nội dung quan trọng của quá trình huấn luyện
Hướng dẫn chó nghiệp vụ vượt chướng ngại vật - một trong những nội dung quan trọng của quá trình huấn luyện

Cán bộ chiến sỹ Đội quản lí, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng cảnh sát cơ động Công an Nghệ An trong một buổi huấn luyện.
Cán bộ chiến sỹ Đội quản lí, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng cảnh sát cơ động Công an Nghệ An trong một buổi huấn luyện.
Không chỉ tinh thông nghiệp vụ, dũng mãnh khi thực hiện nhiệm vụ, những chú cảnh khuyển hết sức tình cảm và trung thành.
Không chỉ tinh thông nghiệp vụ, dũng mãnh khi thực hiện nhiệm vụ, những chú cảnh khuyển hết sức tình cảm và trung thành.

Việc huấn luyện cơ bản sẽ kéo dài 6 tháng tại Trung tâm huấn luyện động vật nghiệp vụ của Bộ Công an. Mỗi người sẽ được giao 1 con chó gần 2 tuổi – độ tuổi đã ổn định về tâm lý để làm quen và huấn luyện. Những ngày đầu làm quen với nhau, những chú chó đã mang sẵn trong mình sự hung dữ không dễ mà nghe theo hiệu lệnh của những người khác. Cứ thế ròng rã 6 tháng trời, ‘thầy – trò’ quần nhau giữa thao trường, gắn bó với nhau đủ để chú chó chỉ cần nhìn ánh mắt của huấn luyện viên là hiểu mệnh lệnh mình sắp phải thực hiện.

Sau 6 tháng, chú chó được đưa về đơn vị, tiếp tục huấn luyện và phục vụ cho công việc đặc thù của mình. Mỗi chú chó sau khi được huấn luyện tinh thông nghiệp vụ trở thành một phần cuộc sống và công việc của người lính. Trong các vụ cứu hộ cứu nạn, các vụ trọng án phức tạp mà kẻ thủ ác không để lại dấu vết hay những lần truy vết kẻ phạm tội, chó nghiệp vụ và những chiến sỹ công an sát cánh cùng nhau phá án.

Chó nghiệp vụ có nhiều đóng góp trong việc phá một số vụ án phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An như vụ truy bắt phạm nhân Nguyễn Văn Truyền mang án 20 năm tù trốn khỏi nơi giam giữ, sử dụng súng chống trả; bắt đối tượng mua bán ma túy Vi Văn May (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An), giải thoát thành công 3 con tin; phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động bao vây, tiếp cận, bắt giữ Trần Trung Nghĩa (SN 1991, trú TP Vinh) khi y đang sử dụng lựu đạn, súng tự chế khống chế con tin, cướp tài sản người đi đường...

Trắng đêm vì… chó ốm

Hơn 30 năm trong nghề, Trung tá Thái Duy Dũng đã trực tiếp huấn luyện gần chục con chó nghiệp vụ. Người mới nhất là Thượng sỹ Nguyễn Đình Thắng, vừa mới chuyển về đội 8 tháng. “Sau 6 tháng huấn luyện, hai “thầy trò” mới chính thức về nhận nhiệm vụ tại Đội từ tháng 10/2017”, Thắng cho biết. Cũng như Trung tá Dũng, Thắng gọi việc gắn bó với chó nghiệp vụ này là “bước ngoặt” của cuộc đời. Ngay từ khi bước chân vào ngành, có lẽ ít ai nghĩ rằng công việc của mình sẽ gắn bó với những chú chó – dù nó là loại hết sức tinh khôn, dũng cảm, nghĩa tình và đặc biệt trung thành. Nhưng rồi “nghề chọn mình”, vượt qua những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu, họ dần quen, gắn bó và yêu công việc ít người biết đến này.

“Đặc thù của công việc này là 1 cán bộ sẽ gắn bó với 1 con chó từ khi bắt đầu đi vào huấn luyện cho đến khi nó bị thải loại. Có khi là 7 năm, 8 năm đến 10 năm. Gắn bó, đồng hành, sát cánh bên nhau nên giữa "thầy – trò" có tình cảm đặc biệt lắm”, Trung tá Hồ Nam Long – Phó trưởng phòng phụ trách phòng PK20 cho biết.

Huấn luyện chó nghiệp vụ trong bài tập trấn áp tội phạm
Huấn luyện chó nghiệp vụ trong bài tập trấn áp tội phạm

Huấn luyện gian khổ là vậy nhưng chăm sóc nó còn gian khổ và kỳ công không kém. Đơn vị có 1 nhân viên bếp riêng để phục vụ từng bữa ăn cho chó. Những chú chó tinh khôn này không phải ăn cơm thừa canh cặn như đồng loại của nó mà từng bữa ăn, từng khẩu phần, định lượng chất dinh dưỡng phải được tính toán cụ thể, khoa học. Mỗi khi chó ốm đau, dịch bệnh, việc chăm sóc, thuốc thang cho từng chú chó còn hơn cả chăm con mọn. Còn nhớ Hè năm 2013, cả đơn vị hầu như không ngủ được vì đàn chó lăn ra ốm. Các bác sỹ thú y cũng bó tay, đơn vị phải mời cả bác sỹ thú y của Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ ngoài Hà Nội về điều trị cho chó. Dù cả đơn vị, các bác sĩ đã làm hết sức nhưng năm đó, vẫn có một chú chó không qua nổi đợt dịch, ai cũng buồn đến phát khóc.

Gắn bó, sát cánh với nhau trong huấn luyện và chiến đấu bởi vậy khi mỗi chú chó bị thải loại, người lính không tránh khỏi sự hụt hẫng. Không hụt hẫng sao được khi ròng rã cả chục năm trời cùng luyện tập, cùng chiến đấu, cùng nhau “nằm gai nếm mật” nhưng quy luật có phần khắc nghiệt của yêu cầu chiến đấu, người lính phải nén cảm xúc lại mà chia tay “đồng đội” thân thiết của mình để bắt đầu lại một quy trình vất vả và kỳ công khác.

“Nghề này là vậy, không yêu nghề, không say nghề, không xem chó như người bạn, người đồng đội, đặc biệt là có tư tưởng mặc cảm, xem nhẹ nhiệm vụ thì không làm được đâu. Mỗi người, mỗi lực lượng một nhiệm vụ đặc thù, tất cả cũng vì cuộc sống bình yên của nhân dân”, Trung tá Thái Duy Dũng chia sẻ.

Hoàng Lam