1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Hòn Mái tại di tích Hòn Trống Mái có hiện tượng... rung rinh

(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều người tham quan tại Khu di tích - danh thắng Hòn Trống Mái nằm trên dãy núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa phát hiện hòn Mái có hiện tượng rung rinh và xê dịch dần ra mép ngoài...

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hòn đá Mái “khổng lồ” nặng hàng trăm tấn nhưng chỉ cần một người tác động vào cũng có thể rung rinh. Đặc biệt, đây là khu di tích - danh thắng nên có rất nhiều du khách khi về với Sầm Sơn thường lên đây tham quan, thưởng ngoãn và đến hòn Trống Mái để chiêm ngưỡng và chụp ảnh kỷ niệm.

Hòn Trống Mái trên dãy núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn.
Hòn Trống Mái trên dãy núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn.

Trải qua thời gian, do sự tác động của thiên nhiên, đặc biệt là nhiều người dân và du khách thường lên hòn Trống Mái chụp ảnh khiến hòn Mái đang có hiện tượng dịch chuyển ra mép ngoài, có nguy cơ rơi xuống dưới.

Anh Văn Đình Cam, nhân viên bảo vệ rừng, thuộc Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch thị xã Sầm Sơn cho biết: “Trước đây một người đi qua giữa hai hòn Trống Mái phải nghiêng mình mới qua được, vì nó nằm sát nhau, nhưng giờ thì hai người đi qua cũng được”.

Quan sát từ xa, có thể dễ dàng nhận thấy hòn Mái nằm chênh vênh trên một phiến đá lớn và cách hòn Trống khoảng 1m, chỉ cần một tác động của con người cũng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Điểm tiếp xúc giữa hòn Mái với phiến đá dưới chân rất bé.
Điểm tiếp xúc giữa hòn Mái với phiến đá dưới chân rất bé.
Điểm tiếp xúc giữa hòn Mái với phiến đá dưới chân rất bé.

Trước thực trạng trên, UBND thị xã Sầm Sơn đã có công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo hiện trạng di tích - danh thắng hòn Trống Mái. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đến địa phương khảo sát, kiểm tra tình hình thực tế để có biện pháp bảo vệ khẩn cấp di tích này.

Được biết, Hòn Trống Mái là một trong những cảnh đẹp kỳ thú bậc nhất của vùng đất du lịch Sầm Sơn. Trống Mái là tên gọi của hai hòn đá lớn nổi chênh vênh giữa đỉnh Trường Lệ, tựa hình dáng của một đôi chim khổng lồ đang chụm đầu thủ thỉ bên nhau.

Danh thắng này thuộc cụm di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng núi Trường Lệ, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích - danh thắng cấp Quốc gia từ năm 1962.

Nhìn Hòn Mái chênh vênh chỉ cần tác động của con người cũng rất nguy hiểm.
Nhìn Hòn Mái chênh vênh chỉ cần tác động của con người cũng rất nguy hiểm.

Trao đổi với Dân trí, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo tỉnh rồi, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng xuống kiểm tra, đo đạc, nếu đúng thì sẽ có biện pháp xử lý”.

Liên quan đến những tác động có thể xảy ra, trước mắt, UBND thị xã Sầm Sơn có cảnh báo cho nhân dân và du khách không được có những tác động vào hòn Mái. Một mặt tỉnh giao cơ quan chức năng xuống kiểm tra và có hướng khắc phục.

Duy Tuyên