1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 8.000 lao động Việt Nam đã rời khỏi Libya

(Dân trí) - 8.161 lao động Việt Nam đã sang các nước láng giềng của Libya. Số lao động còn kẹt lại ở khu vực phía Đông Libya đã được cung cấp lương thực trở lại. Các đoàn công tác chức năng đang tiếp tục thu xếp để đón lao động về nước an toàn.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1686/Lao-dong-Viet-am-tro-ve-tu-vung-bao-loan-Libya.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Lao động Việt Nam trở về từ vùng bạo loạn Libya</b></a>

Theo báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội, tính đến trưa hôm qua (28/2), các đối tác sử dụng lao động Việt Nam đã và đang triển khai đưa 8.161 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunesia, Hy Lạp, Algeria… Trong đó, hơn 4.600 lao động Việt Nam đã được sơ tán sang các nước thứ 3 (991 lao động đã sang Ai Cập, trong đó 100 lao động đã về nước; 242 lao động đang làm thủ tục nhập cảnh Hy Lạp; 1.378 lao động đã nhập cảnh Malta, trong đó 450 lao động đã về nước; 1.145 lao động đã sang Tuynidi; 570 lao động đã sang Thổ Nhĩ Kỳ và 292 lao động đã sang Algeria).

Ngoài ra, hiện còn có khoảng hơn 1.000 lao động Việt Nam đang được tập trung tại bến cảng Benghazi để sơ tán sang Malta, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, 300 lao động Việt Nam đang tập trung tại khu vực gần biên giới Libya và Ai Cập, khoảng 700 lao động đang di chuyển tập trung tại biên giới Tuynisia, Algeri... số còn lại đang tập trung tại sân bay Tripoli và cảng biển Tripoli.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm, số lao động đã về đến Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là 933 lao động.  Dự kiến đến ngày 3/3 sẽ có thêm khoảng 1.000 lao động nữa đã được chủ sử dụng lao động đặt vé máy bay để về Việt Nam.

Hơn 8.000 lao động Việt Nam đã rời khỏi Libya - 1
Lao động Việt vui mừng được trở về an toàn.
 
“Còn khoảng 2.000 lao động đang kẹt lại sâu trong đất liền Libya và sẽ có kế hoạch sơ tán khỏi Libya trong vài ngày tới. Vấn đề lương thực, thực phẩm cũng đã được cải thiện. Số lao động chưa được chủ sử dụng lao động di tản hiện tập trung tại Benghazi và một số thành phố tại khu vực phía Đông Libya (thành phố Al Qubah và thành phố Darnah) đã có thể mua được thức ăn, vì thành phố này hiện nay do phe biểu tình kiểm soát (tại những thành phố này phe biểu tình đã thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời để điều hành hoạt động) nên các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm đã mở cửa trở lại” - ông Quỳnh cho biết .

Cơ quan chức năng dự kiến sẽ đưa lao động Việt Nam vùng “nóng” của Libya là Tripoli di tản sang Tuynisia, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria; số lao động làm việc tại vùng Benghazi sẽ di tản sang Ai Cập, Hy Lạp và một số ít sang và đảo Síp.

Trả lời Dân trí về chế độ, chính sách đối với lao động Việt Nam từ Libya trở về, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, hiện tại các đơn vị chức năng đang dốc thời gian và sức lực để đưa toàn bộ lao động về nước an toàn, sau đó mới tính toán đến quyền lợi của người lao động. “Chắc chắn doanh nghiệp và lao động từ Libya về sẽ thiệt thòi. Tuy nhiên, đây là yếu tố bất khả kháng, nên Chính phủ sẽ có những cơ chế tính toán hỗ trợ cho các đối tượng này. Những đối tượng vay vốn từ ngân hàng để đi xuất khẩu lao động cũng sẽ được xem xét” - bà Ngân nói.
 
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã sang Tuynisia

Đoàn công tác do Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng đã lên đường sang Tuynisia để phối hợp điều hành việc sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi Libya - Đó là thông tin mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết vào sáng nay, 1/3.

Bà Nga cho hay, Bộ Ngoại giao đã cử Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng trực tiếp đi công tác tại Trung Đông để chỉ đạo tình hình cùng như phối hợp giải quyết việc đưa các lao động Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo công bố, đến chiều ngày 28/2, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong khu vực đã phối hợp và hỗ trợ làm thủ tục lãnh sự cần thiết để đưa gần 1.000 lao động về đến Việt Nam an toàn và hơn 4.000 lao động ra khỏi Libya, hiện đang quá cảnh ở nước thứ ba (Ai Cập, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tuynisia và Algieri).

Để tăng cường nhân lực, hỗ trợ tối đa giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh, cấp giấy tờ cần thiết và phối hợp chính quyền các nước sở tại đưa lao động Việt Nam về nước, ngày 28/2, hai tổ công tác liên ngành khác tiếp tục lên đường sang Malta và Ai Cập. Hiện Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng làm trưởng đoàn đã sang Ai Cập và từ đó đi Tuynisia lập sở chỉ huy tiền phương để trực tiếp hỗ trợ việc sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Libya.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp các cơ quan liên quan của Việt Nam và các nước hỗ trợ Vietnam airlines tổ chức chuyến bay đầu tiên sang Ai Cập tối 28/2 để đón công dân nước ta về nước.

Được biết, vào chiều 28/2, có 25 lao động do Công ty Glo-Tech của Việt Nam đưa sang làm việc tại Libya trước đó đã đến cửa khẩu Salloum an toàn.Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) cũng đã giúp đỡ làm thủ tục nhập cảnh cho một đoàn 73 lao động Việt Nam, sau khi đưa 46 lao động khác qua cửa khẩu và bố trí phương tiện đưa họ tới sân bay Cairo. IOM cũng hứa mua vé máy bay cho hơn 100 lao động Việt Nam về nước. Bên cạnh đó, IOM đã tích cực hỗ trợ các công dân Việt Nam tại cửa khẩu Salloum như cung cấp đồ ăn, nước uống trong sinh hoạt.

Quốc Đô - Anh Thế

 
 
 P. Thanh