1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM

Hơn 3.000 hồ sơ khiếu nại về điện kế điện tử

Thông tin từ Công ty Điện lực TPHCM cho biết từ 1/7/2004 đến nay có hơn 3.000 hồ sơ khiếu nại về điện kế điện tử. Lượng khách hàng khiếu nại tăng nhanh kể từ giữa tháng 6/2005, sau khi phát hiện điện kế sai sót trong khâu đo đếm, không đảm bảo chất lượng.

Bình quân một điện lực tiếp nhận 15-20 hồ sơ khiếu nại mỗi ngày. Trong khi đó, mỗi điện lực chỉ có từ 2-3 máy kiểm tra điện kế điện tử (ĐKĐT) dẫn đến tình trạng “quá tải”, không giải quyết đúng thời hạn. Nhiều trường hợp kéo dài hơn nửa tháng qua vẫn chưa được ngành điện kiểm tra. Theo qui định, các điện lực phải giải quyết trong ba ngày, kể từ khi nhận khiếu nại của khách hàng.

  

Ngày 4/7, Sở Công nghiệp thành phố đã chính thức bàn giao 92 hồ sơ khiếu nại liên quan đến ĐKĐT cho Công ty điện lực giải quyết. Theo thỏa thuận trước đó, ngành điện sẽ thay ĐKĐT bằng điện kế cơ cho các khách hàng này nhằm hạn chế thiệt hại trước mắt. Những ĐKĐT tháo gỡ sẽ được niêm phong và chờ kiểm tra. Theo Công ty điện lực thành phố, trong tuần này công ty sẽ mua thêm 9.000 điện kế cơ để gắn cho khách hàng trong thời gian ngưng gắn ĐKĐT.

 

Hôm nay (5/7), đoàn kiểm tra do Bộ Công nghiệp thành lập chính thức vào TPHCM để kiểm tra vụ ĐKĐT. Đoàn gồm chín thành viên, chủ yếu thuộc Bộ Công nghiệp và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Ngay trong chiều nay, đoàn sẽ nghe Công ty Điện lực TP báo cáo xung quanh vụ ĐKĐT. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành kiểm tra từng nội dung cụ thể liên quan đến tính pháp lý của ĐKĐT, việc giải quyết khiếu nại của khách hàng…

Mấy ngày qua, văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam vẫn tiếp tục nhận được đơn của khách hàng về vụ ĐKĐT không chính xác. Các khách hàng không chỉ khiếu nại về độ chính xác của ĐKĐT mà còn không đồng ý với kết quả kiểm định của Công ty điện lực thành phố.

 

Sau khi họ khiếu nại, điện lực có cử nhân viên cầm máy đo xuống, bấm vài cái để đo ba cường độ, thông số gì đó rồi kết luận là điện kế chính xác! Có khách hàng đã thống kê trên cơ sở các hóa đơn tiền điện trước và ba tháng sau khi thay ĐKĐT, qua đó cho thấy số tiền bị tăng lên hơn 450.000 đồng/tháng. Văn phòng đã chuyển tất cả các hồ sơ khiếu nại của khách hàng đến Bộ Công nghiệp.

 

Theo ông Nguyễn Nam Vinh, chủ nhiệm Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam, Công ty điện lực thành phố cần phải thu hồi toàn bộ số ĐKĐT đã lắp đặt, đồng thời phải có phương thức tính toán bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong thời gian sử dụng ĐKĐT. Thiệt hại vài chục ngàn đồng/tháng đối với một khách hàng thì có thể là nhỏ, nhưng nếu tính cho cả trên 260.000 khách hàng đã sử dụng ĐKĐT mấy năm qua thì con số này không nhỏ.

 

Theo khuyến cáo của Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam, khách hàng cũng cần lưu giữ đầy đủ các hóa đơn tiền điện các tháng trước và sau khi lắp đặt ĐKĐT. Trường hợp không đồng ý với kết luận của Công ty điện lực thành phố, khách hàng có thể dựa trên các chứng cứ đó để khởi kiện, yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình.

 

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm