1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Hơn 200 loài có tên trong Sách Đỏ sinh sống ở đầm Thị Nại

Doãn Công

(Dân trí) - Theo các nhà nghiên cứu, danh mục Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế ghi nhận đầm Thị Nại (Bình Định) có 225 loài động, thực vật.

Ngày 2/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học nhiệm vụ lập dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại.

Hơn 200 loài có tên trong Sách Đỏ sinh sống ở đầm Thị Nại - 1

Ông Trần Hữu Khánh (77 tuổi, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ 4 ha trồng cây bần ở đầm Thị Nại (Ảnh: Doãn Công).

Việc thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù của vùng đất ngập nước đầm Thị Nại; bảo tồn các loài nguy cấp, đặc biệt gia tăng quần thể các loài chim di trú nguy cấp toàn cầu; đảm bảo tính kết nối với các sinh cảnh liên kết trong khu vực.

Sử dụng và phát triển bền vững dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương; duy trì cân bằng sinh thái.

Tại hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia trên lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học đã thảo luận, trao đổi ý kiến về cơ sở pháp lý đáp ứng tiêu chí thành lập khu dự trữ thiên nhiên; nghiên cứu, đánh giá công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sinh kế cho cộng đồng dân cư tại đầm Thị Nại.

Trên cơ sở đó, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp quản lý, bảo tồn hệ sinh thái đầm Thị Nại theo quy hoạch, hướng tới thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại sau này.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, những năm gần đây, tỉnh này thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái của đầm Thị Nại, như phân vùng khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ người dân sống ven đầm vốn vay đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển trồng rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, đầm Thị Nại vẫn chịu nhiều tác động và áp lực từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Do đó, UBND tỉnh giao Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ lập dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại.

Dự án được Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp đơn vị tư vấn là Viện Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ năm 2021 - 2022.

Hơn 200 loài có tên trong Sách Đỏ sinh sống ở đầm Thị Nại - 2

Khu vực đầm Thị Nại là nơi sinh trưởng, trú ngụ của nhiều loài động, thực vật (Ảnh: Dũng Nhân).

Kết quả điều tra, nghiên cứu dữ liệu bảo tồn đa dạng sinh học đầm Thị Nại cho thấy hệ thực vật đầm Thị Nại có 145 loài (cập nhật thêm 4 loài), hệ động vật đáy xác định được 191 loài (thêm 4 loài), 126 loài cá (thêm 15 loài) và 103 loài chim (thêm 13 loài).

Nhóm nghiên cứu cũng đã xác định 225 loài động, thực vật theo danh mục Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, được ghi nhận theo các cấp độ khác nhau.

Đầm Thị Nại nằm trên địa bàn huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn, đã được đưa vào danh mục các khu bảo tồn quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đầm Thị Nại được quy hoạch với diện tích 5.000 ha, phân hạng khu dự trữ thiên nhiên, phân loại đất ngập nước và phân cấp cho UBND tỉnh Bình Định quản lý.

Đầu năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến làm việc với tỉnh Bình Định đã chỉ ra được đầm Thị Nại có tầm quan trọng rất lớn đối với môi trường và người dân sống phụ thuộc vào đầm. Chủ tịch nước đã yêu cầu tỉnh Bình Định phải giữ được "lá phổi xanh" đầm Thị Nại của tỉnh này.