1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Hơn 13.000 hộ dân sống ở vùng nguy hiểm khi có thiên tai

(Dân trí) - Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 13.000 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt là những khu vực miền núi.

Theo thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có hơn 13.000 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có thiên tai xảy ra.

Hơn 13.000 hộ dân sống ở vùng nguy hiểm khi có thiên tai    - 1
Tình trạng sạt lở dọc các bờ sông đang là nỗi lo lắng của hàng ngàn hộ dân sống ở vùng hạ lưu. 

Trong số đó, nguy hiểm nhất là hơn 1.500 hộ dân đang phải sống trong nỗi thấp thỏm lo âu ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và hơn 11.700 hộ dân khác cũng đang phải sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá cao. 

Hầu hết các hộ nằm trong vùng có nguy cơ trên chủ yếu là ở các huyện miền núi cao và vùng bị chia cắt bởi các sông, suối như huyện vùng cao Mường Lát có 292 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở, 157 hộ trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét; huyện Bá Thước có 441 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở, 78 hộ trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét; huyện Quan Hóa có 229 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở và 26 hộ trong vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét...

Ngoài ra còn có hàng ngàn hộ dân sống ven bờ và hạ lưu các hệ thống sông lớn như: sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Lèn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ sông gây ra.

Hơn 13.000 hộ dân sống ở vùng nguy hiểm khi có thiên tai    - 2
Đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ven các triền đồi, sườn núi, hay dọc các khe suối có nguy có bị ảnh hưởng cao trong các mùa mưa bão.

Để giúp nhân dân giảm nhẹ thiệt hai do thiên tai gây ra, cuối năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư đồng bào dân tộc Mông ở 13 điểm, thuộc huyện vùng cao Mường Lát, theo đó, nhiều hộ dân đã được di dời đến ở những nơi an toàn.

Tiếp đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt 9 dự án để di dời, bố trí nơi ở tập trung cho 318 hộ dân, xen ghép 2.883 hộ, ổn định tại chỗ cho 610 hộ nhằm phòng, tránh nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá có thể xảy ra tại 115 xã, thuộc 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Hơn 13.000 hộ dân sống ở vùng nguy hiểm khi có thiên tai    - 3
Tình trạng sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi thiên tai diễn ra.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số dự án di dời dân đến nơi an toàn vẫn chưa thực hiện được do thiếu nguồn kinh phí xây dựng. Trong mùa mưa bão năm nay, nhiều hộ dân vẫn đang phải sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu mỗi khi mưa lũ diễn ra.

Duy Tuyên