Hơn 1.100 xe buýt ở TPHCM “ế” quảng cáo

(Dân trí) - Tiền thu từ quảng cáo trên xe buýt được xem là nguồn bù đắp cho hoạt động trợ giá cả ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, sau nhiều lần đấu giá quảng cáo cho hơn 1.100 xe buýt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM vẫn chưa tìm được đối tác.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM (thuộc Sở GTVT TPHCM) sắp đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt lần thứ 5. Sau nhiều lần thất bại, trung tâm quyết định chia thành nhiều gói thầu nhỏ để các doanh nghiệp tham gia đấu giá có nhiều lựa chọn.

Theo đó, phiên đấu giá sắp tới sẽ được chia thành 71 gói thầu (hơn 1.100 xe buýt); thời gian thuê quảng cáo cũng linh hoạt hơn, với gói 6 tháng, 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm. Doanh nghiệp tham gia đấu giá đặt tiền trước từ 5-15% (tùy theo gói hợp đồng).

Hơn 1.100 xe buýt ở TPHCM “ế” quảng cáo - 1
Hiện TPHCM mới cho thuê quảng cáo trên 492 xe buýt

Trước đó, phiên đấu giá lần thứ 4 (quảng cáo trên 1.244 xe buýt) được đánh giá là khá linh động với việc chia thành 11 gói thầu và thời gian thuê quảng cáo là 1 năm, 2 năm và 3 năm. Trong đó gói thấp nhất là 5 tuyến và cao nhất là 8 tuyến. 

Đồng thời, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá cũng được phép đặt trước tiền mặt tương ứng với thời gian thuê, thấp nhất là 5% so với giá khởi điểm của gói đấu giá trong thời gian thuê 3 năm, 7% của thời gian thuê 2 năm và 10% nếu thuê 1 năm. Tuy nhiên, phiên đấu giá lần này tiếp tục thất bại dù có nhiều thay đổi so với lần thứ 3.

Trong lần đầu tiên tổ chức đấu giá quảng cáo trên xe buýt vào năm 2017, một gói với gần 492 phương tiện được đấu giá thành công, thu về cho ngân sách thành phố hơn 160 tỷ đồng trong 3 năm.

Tuy nhiên, những lần đấu giá sau đó đều thất bại. Lãnh đạo Sở GTVT TP cho rằng nguyên nhân là nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp đã không còn như trước. Quảng cáo trên xe buýt cũng khó cạnh tranh với sự đa dạng của nhiều loại hình khác, dù liên tục được điều chỉnh và nới lỏng các điều kiện, tạo sự linh hoạt (như trong thời hạn thanh toán, tỷ lệ ký quỹ, số lượng phương tiện ở từng gói…).

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Trần Chí Trung cho rằng doanh nghiệp quảng cáo cũng có sự e dè nếu trước khi tham gia đấu giá chưa có khách hàng đặt quảng cáo. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đóng cọc (thấp nhất 5%) nếu khách hàng không có nhu cầu thì dù có trúng đấu giá, doanh nghiệp cũng bị chịu lỗ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho rằng hệ số thời gian khai thác hợp đồng thuê quảng cáo trên thân xe buýt chưa phù hợp, thời gian khai thác thực tế thấp hơn so với hợp đồng. Bởi sau khi mua gói quảng cáo, doanh nghiệp mất thời gian làm việc với đối tác, dán quảng cáo, nghiệm thu sau đó mới thu được tiền quảng cáo.

Ông Trung cho biết sẽ cân nhắc giá sàn quảng cáo trên xe buýt vì một số doanh nghiệp cho rằng mức giá còn cao, khó cạnh tranh với các loại hình quảng cáo khác.

Mỗi năm, ngân sách TPHCM chi khoảng 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt. Cho thuê quảng cáo trên xe buýt được xem là giải pháp phù hợp để thu tiền về cho ngân sách thành phố, bù một phần kinh phí trợ giá xe buýt. Sau nhiều năm bàn bạc, thí điểm, cuối cùng TPHCM đã thống nhất đề án cho thuê quảng cáo trên xe buýt có trợ giá. Tuy nhiên, đến nay mới khoảng gần 500 xe buýt được thuê quảng cáo.

Quốc Anh