1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

"Chạy" quảng cáo trên xe buýt để giảm trợ giá từ ngân sách

(Dân trí) - Để giảm tiền trợ giá từ ngân sách, TPHCM đã chính thức cho phép thí điểm quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt. Như vậy, sau 7 năm “nâng lên, đặt xuống”, đề án quảng cáo trên xe buýt mới được thí điểm.

UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án “Thí điểm quảng cáo trên xe buýt” với 10 tuyến có trợ giá. Mục tiêu của đề án thí điểm là nhằm góp phần tăng nguồn thu, giảm bớt kinh phí trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, từng bước thay đổi diện mạo cho hệ thống xe buýt thành phố; nâng cao hình ảnh xe buýt: văn minh, hiện đại, an toàn; giúp người dân dễ dàng nhận biết, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm và thời gian hợp đồng cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt tối đa là 1 năm.


Quảng cáo trên xe buýt ở Hà Nội đã được thực hiện từ lâu (ảnh: Thế Kha)

Quảng cáo trên xe buýt ở Hà Nội đã được thực hiện từ lâu (ảnh: Thế Kha)

Theo UBND TPHCM, nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt (sau khi trừ các chi phí quảng cáo: tư vấn thẩm định giá, tư vấn đấu giá) được nộp vào ngân sách thành phố. Sở GTVT TP sẽ đánh giá kết quả thực hiện việc thí điểm để đề xuất phương án triển khai mở rộng trên tất cả các tuyến xe buýt còn lại.

Hàng năm, UBND TPHCM phải chi hàng trăm tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ giá cho xe buýt hoạt động. Đứng trước tình hình đó, năm 2008, Sở GTVT TPHCM đã đề nghị UBND TP cho phép ngành giao thông khai thác quảng cáo thương mại trên hệ thống xe buýt của TP.

Theo tính toán của Sở GTVT vào thời điểm đó, với khoảng 3.000 xe buýt sẽ mang về cho ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm tiền quảng cáo, giúp giảm trợ giá từ ngân sách khoảng 50 tỷ đồng (sau khi trừ các chi phí khai thác quảng cáo, chia sẻ lợi nhuận…).

Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận. Đến tháng 6/2009, UBND TP ra quyết định 39/2009/QĐ-UBND, ban hành quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP, cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải… Quy định này chấm dứt hẳn hy vọng đưa đề án quảng cáo trên xe buýt vào thực tế.

Đến năm 2011, trước tình hình ngân sách trợ cấp cho xe buýt ngày càng tăng cao, TP chấp thuận cho Sở GTVT nghiên cứu lại việc quảng cáo trên xe buýt. Đến năm 2012, TP tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định lại đề án này để trình UBND TP thông qua. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6/2014 đề án mới hoàn thành và Sở GTVT TP muốn thí điểm trên toàn bộ hệ thống xe buýt thành phố. Tuy nhiên, UBND TP chỉ đồng ý cho thí điểm trên 10 tuyến trước khi triển khai đại trà.

 

Đề án được thực hiện trên 156 xe của 10 tuyến phổ thông có trợ giá gồm: Bến Thành – bến xe Chợ Lớn ( mã số tuyến 1); Bến Thành – Đầm Sen (11); Công viên 23/9 – Âu Cơ  – bến xe An Sương (27); công viên 23/9 – chợ Xuân Thới Thượng (28); khu dân cư Tân Quy – khu dân cư Bình lợi (31); Bến Thành – Thới An (36); Bến Thành – Võ Văn Kiệt – bến xe Miền Tây (39); Bến xe quận 8 – Bến Thành – Bến xe Miền Đông (45); Công viên 23/9 – Khu công nghiệp Tân Bình (69); Bến Thành – Đại học Tôn Đức Thắng (86).

 

Quốc Anh

 

"Chạy" quảng cáo trên xe buýt để giảm trợ giá từ ngân sách - 2