1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Quảng cáo trên xe buýt thu về hơn 100 tỷ đồng/năm?

(Dân trí) - Ngày 13/6, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, Sở GTVT đã xây dựng hoàn thiện đề án quảng cáo bên ngoài xe buýt trên địa bàn TPHCM và báo cáo với UBND TPHCM.

Để giảm thiểu chi phí trợ giá, từ năm 2008, Sở GTVT TPHCM đề nghị UBND TP cho phép ngành giao thông khai thác quảng cáo thương mại trên hệ thống xe buýt của TP. Theo tính toán của Sở GTVT vào thời điểm đó, với khoảng 3.000 xe buýt sẽ mang về cho ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm tiền quảng cáo, giúp giảm trợ giá từ ngân sách khoảng 50 tỷ đồng (sau khi trừ các chi phí khai thác quảng cáo, chia sẻ lợi nhuận…).

Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận. Đến tháng 6/2009, UBND TP ra quyết định 39/2009/QĐ-UBND, ban hành quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP, cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải… Quy định này chấm dứt hẳn hy vọng đưa đề án quảng cáo trên xe buýt vào thực tế.

Đến năm 2011, trước tình hình ngân sách trợ cấp cho xe buýt ngày càng tăng cao, TP chấp thuận cho Sở GTVT nghiên cứu lại việc quảng cáo trên xe buýt. Đến năm 2012, TP tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định lại đề án này để trình UBND TP thông qua. Tuy nhiên, đến nay đề án mới hoàn thành.

Sau 6 năm “cầm lên, đặt xuống”, đề án quảng cáo trên xe buýt mới được cho phép thí điểm
Sau 6 năm “cầm lên, đặt xuống”, đề án quảng cáo trên xe buýt mới được cho phép thí điểm

Theo ông Dương Hồng Thanh, trên cơ bản thì nguồn thu từ hoạt động khai thác quảng cáo trên xe buýt sẽ dùng để bù vào tiền trợ giá hoạt động xe buýt. Các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt có thể thu số tiền này như là khoản ứng trước của ngân sách thành phố cho chi phí trợ giá xe buýt, hết năm sẽ tính toán lại để trừ ra.

Ông Thanh cũng cho biết Sở đã khảo sát giá và nhận thấy là giá quảng cáo trên nhà chờ xe buýt ở TPHCM cao gấp 3 lần ở Hà Nội nên ông ước tính nguồn thu từ quảng cáo trên thành xe buýt có thể cao hơn con số tính toán trước đây.

Ông cho rằng: “Nếu thực hiện hoạt động quảng cáo bên ngoài thành xe trên tất cả xe buýt có trợ giá của thành phố thì có thể thu về hơn 100 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 9% tổng vốn ngân sách trợ giá cho xe buýt hiện nay. Chúng tôi đang nhờ đơn vị chuyên nghiệm thẩm định giá quảng cáo mới có con số chính xác được”.

Hiện UBND thành phố đã chấp thuận triển khai đề án này nhưng chỉ đạo thực hiện thí điểm trước trên 10 tuyến xe buýt với 156 xe loại 40-80 chỗ. Ông Thanh cho biết việc quảng cáo trên 10 tuyến này sẽ được thực hiện qua hình thức đấu giá cạnh tranh.

Sau 1 năm thí điểm nếu đạt kết quả tốt sẽ đưa ra Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, đánh giá để quyết định có nên triển khai đại trà trên tất cả các tuyến với gần 3.000 xe buýt của thành phố.

Tùng Nguyên