Cà Mau:

Hơn 1.100 điểm sụt lún do khô hạn

(Dân trí) - Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình khô hạn gay gắt đã làm cho nhiều tuyến đường ở Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng. Chỉ một huyện của tỉnh này đã có đến 1.000 điểm bị sụt lún.

Một tuyến đường sụt lún vì khô hạn ở Cà Mau.

Hơn 1.100 điểm sụt lún 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau, do hạn hán mùa khô 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, ngoài ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh còn làm cho các kênh rạch bị khô cạn, mất phản áp nước gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng.

Qua thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có trên 1.100 điểm, vị trí trên tuyến đê biển Tây và nhiều tuyến đường giao thông bị sụt lún với chiều dài hơn 25,3km.

Trong đó, tuyến đường do cấp tỉnh quản lý có 9 điểm sụt lún với tổng chiều dài 250m; tuyến đê biển Tây có 3 điểm sụt lún dài 240m, nguy cơ sụt lún thêm 4,2km; lộ giao thông nông thôn có khoảng 1.100 điểm sụt lún với tổng chiều dài gần 25km.

 Hơn 1.100 điểm sụt lún do khô hạn - 1

Một khu vực sụt lún trên tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc.

Chỉ tính riêng huyện Trần Văn Thời, hầu như xã nào cũng có điểm sụt lún và đây cũng là huyện có nhiều điểm nhất, với trên 1.000 điểm, vị trí. Còn TP Cà Mau có 15 điểm bị sụp lún, dài 754m; huyện U Minh có 30 điểm sụp lún, dài 914m.

Qua ghi nhận của PV Dân trí, có 2 khu vực sụt lún nghiêm trọng nhất xảy ra từ đầu năm đến nay là tuyến đê biển Tây và tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc.

2 tuyến đường này liên tục xảy ra sụt lún từ ngày 18/2 đến ngày 6/4, với hàng trăm mét đường bị hư hỏng, khiến giao thông đi lại rất khó khăn.

 Hơn 1.100 điểm sụt lún do khô hạn - 2

Khu vực sụt lún trên tuyến đê biển Tây.

Giải pháp nào khắc phục?

Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, sau khi xảy ra các điểm sụt lún, trước mắt ngành chức năng cho lắp đặt biển cảnh báo, biển báo hạn chế tốc độ, tải trọng, rào chắn, đèn chiếu sáng vào ban đêm,... để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra nhằm sớm phát hiện các vị trí, đoạn tuyến có nguy cơ sụt lún để triển khai kịp thời các biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp với các nhà khoa học đầu ngành, các viện, trường, các cơ quan chuyên môn trung ương đánh giá thực trạng tác động do hạn hán trên địa bàn tỉnh nói chung và tình hình sụt lún đất nói riêng nhằm xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả để thực hiện.

 Hơn 1.100 điểm sụt lún do khô hạn - 3

Nhiều con kênh rạch khô cạn nước là nguyên nhân được cho là gây ra sụt lún đường ở Cà Mau.

Đối với sụt lún đê biển Tây, ngành chức năng đã chọn giải pháp bơm bùn cát vào trong kênh mương đê với cao trình thích hợp nhất trên tổng chiều dài 4.200m, trong đó có 800m san lấp cát khu tái định cư xen ghép Đá Bạc với tổng kinh phí 45 tỷ; riêng khắc phục 3 điểm sụt lún dài 240m với kinh phí 3 tỷ đồng.

Còn những điểm sụt lún công trình giao thông, Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, xử lý bằng cách đắp trả bằng cát hoặc đất khô được đầm nén đối với phần mặt đường bị sụt, phía ngoài tạm thời đắp đất để giữ lề. Khi thi công cát và đất, giữ lề tiếp tục có dấu hiệu sụt, đẩy về phía kênh cho đến khi nền đường chuyển sang trạng thái cân bằng mới. Trong quá trình đắp đất giữ lề, có thể sử dụng cừ gỗ địa phương để gia cố làm bờ bao. Phía trên phần mặt đường thi công lớp cấp phối đá dăm đến cao độ mặt đường hiện hữu để đảm bảo xe lưu thông và tiếp tục bù lún cho đến khi mặt đường ổn định thì mới thi công lớp láng nhựa...

Riêng đối với những tuyến đường có quy mô đường cấp VI trở lên (đường ô tô đến trung tâm xã) bị sụt lún với cung trượt lớn thì ngoài các giải pháp nêu trên còn phải kết hợp với đắp bệ phản áp và xem xét đến việc duy trì mực nước trong các kênh dọc tuyến để tạo áp lực cân bằng cho nền đường.

Huỳnh Hải