Học trò vùng cao và nỗi ám ảnh lấy chồng sớm
(Dân trí) - Nỗi ám ảnh phải bỏ học đề về nhà lấy vợ, lấy chồng vẫn đeo đuổi những cô bé, cậu bé học trò ở vùng hồ Ba Bể. Niềm lo sợ nhiều khi chen vào niềm hy vọng được tiếp tục học hành còn đang lấp lánh trong đôi mắt thơ ngây.
Tại trường THCS Nam Mẫu, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) - ngôi trường ở xã nghèo nhất huyện Ba Bể, trong cái lạnh của một buổi sáng cuối đông, hơn 100 cô trò vẫn miệt mài với sách vở. Không giống lớp học dưới xuôi, ở đây các em được đi học miễn phí và hưởng trợ cấp theo quy định của Chính phủ. Mỗi lớp ở đây chỉ lèo tèo hơn chục học sinh. Độ tuổi của trò cũng chênh nhau 2- 3 tuổi. Xung quanh chân tường phòng học chất đống những bao ngô, khoai hoặc đồ dùng cá nhân - tài sản của các gia đình gửi nhà trường sau đợt thu hoạch mùa vụ, để dành cho con em dùng dần.
Không còn cảnh trò tím tái vì rét do thiếu áo ấm, những đứa trẻ huyện nghèo giờ đã thêm sắc hồng trên khuôn mặt, đám trẻ vui vẻ diện những chiếc áo ấm đủ màu, trong đó rất nhiều áo do các bạn học sinh dưới xuôi gửi lên làm quà tặng.
May có thầy giáo chủ nhiệm biết chuyện, lặn lội đến tận nhà động viên gia đình. Sau khi nói chuyện với thầy, bố Phóng đồng ý tiếp tục cho con gái theo chúng bạn đến trường, theo đuổi ước mơ. Nhưng chưa dám nói trước ước mơ của em có thể thành hiện thực khi ở bậc đại học, mọi thứ không còn "miễn phí" như xưa.
Cùng cảnh ngộ, những cô bạn gái đồng lứa đang học trọ với Phóng cũng đang phập phồng nỗi lo phải trở về nhà lấy chồng, bám đuôi ngựa đi chợ phiên như các mẹ trong bản. Các em đến nhiều bản làng khác nhau, được tiếp cận với nhiều kiến thức mới, các em hiểu rằng hạnh phúc không chỉ là sinh con, làm nương, nấu rượu cho chồng uống... Mỗi buổi tối, câu chuyện của những cô thiếu nữ vùng sơn cước không chỉ loanh quanh trong phạm bản làng mà đã có thêm những mơ ước về cuộc sống văn minh, hiện đại sau này. Giấc mở của nhiều thiếu nữ là được học lên cấp 3, rồi về tận dưới xuôi, được bước chân vào giảng đường đại học, được trở thành người có ích cho xã hội...
Bên dãy nhà nội trú nam, đám con trai cũng túm tụm thành từng nhóm nhỏ tán gẫu hoặc nấu cơm ăn. A Tráng, người dân tộc Mông đang theo học lớp 8. Cậu bé mới cắt tóc kiểu thời thượng, nhuộm vàng hoe ở mái, quần bò. Cũng giống như các bạn vào mỗi cuối tuần, Tráng đi bộ gần 7 tiếng để về nhà để lấy đồ ăn gia đình tiếp tế cho cả tuần tiếp theo. Thức ăn thường là thịt, gạo, rau, mắm. Hàng tháng, Tráng lĩnh khoảng 200 nghìn tiền Chính phủ hỗ trợ con em dân tộc đi học. Số tiền này Tráng đưa bố mẹ, nhờ mua thêm thực phẩm, quần áo, đồ dùng học tập.
Cậu bé người Mông này rất thích đi học, vì ở trường rất vui, vừa có nhiều bạn bè lại được học toán- bộ môn em rất thích. Tráng chưa có mơ ước gì cụ thể, em chỉ thích được học tiếp đến hết cấp 3 để được học toán, rồi mới phải quay về bản làm ruộng, lấy vợ theo lời bố dặn. Trong suốt 3 năm đi học ở trường, hành trình đi – về của em hầu như không thay đổi. Tráng mơ ước có lần được về Hà Nội, được tận mắt xem ca nhạc, có ca sỹ, diễn viên múa biểu diễn gần bờ hồ Hoàn Kiếm, như đã có lần em được nhìn thấy qua ti vi.Hiệu trưởng THCS Nam Mẫu, thầy Nguyên Hồng Sơn cho biết. Vài năm trở lại đây, bà con vùng dân tộc cũng bắt đầu thay đổi dần tập quán làm ăn. Nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con cái học văn hóa, các gia đình đều cố gắng cho con đến trường. Tuy nhiên tập quán cướp vợ, gả chồng sớm tại các thôn, bản vẫn còn khá nặng nề. Để “giành” được quyền học hành các em còn phải trải qua nhiều khó khăn, cực khổ.
“Năm ngoái, nhà trường cũng phải chia tay với một trò nữ người Nùng đang học lớp 8. Mặc dù nhà trường đã cử giáo viên đến tận nhà học trò này nói chuyện với bố mẹ em, xin cho em được đi học. Tuy nhiên, do nhà trai đã mang lễ đến hỏi cưới con gái, dân bản chỉ chờ ngày uống rượu, mừng cho đôi trẻ nên họ nhà gái không dám cưỡng lại. Được biết, giờ trò đó đã chuẩn bị làm mẹ khi mới chớm tuổi 16” - Thầy Hồng kể.
Thống kê từ 3 năm gần đây cho thấy, trường Nam Mẫu đã tăng thêm danh sách ở nhóm học trò người dân tộc thiểu số đi học. Điều đó cho thấy, nhận thức của bà con đã thay đổi dần. Nhưng còn đó nỗi ám ảnh phải bỏ học đề về nhà lấy vợ, lấy chồng vẫn đeo đuổi các những cô cậu bé sinh nội trú trường THCS Nam Mẫu mỗi dịp xuân về. Nỗi lo sợ đó nhiều khi chen cả vào những khát vọng về tương lai tươi sáng đang lấp lánh trong mắt các em.
Phạm Thanh